Thế kỷ châu Á lâm nguy (Phần 1)

caodung

07/06/2020 17:48

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo về hiểm họa của sự đối đầu Mỹ - Trung, dẫn tới tiêu tan triển vọng Thế kỷ châu Á trong bài viết đăng trên tờ Foreign Affairs ngày 4.6.

Kính mời quý độc giả theo dõi phần tiếp theo của bài viết tại đường link: Thế kỷ châu Á lâm nguy (Phần 2)

"Những năm gần đây, ai cũng cho rằng thế kỷ tiếp theo sẽ là thế kỷ của khu vực châu Á và Thái Bình Dương, như thể điều đó là chắc chắn. Tôi không đồng ý với quan điểm đó", năm 1988 nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có trao đổi ý kiến như vậy với cố Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Hơn 30 năm sau, mọi sự diễn ra đúng như lời ông Đặng Tiểu Bình. Sau nhiều thập niên đạt thành tựu kinh tế ấn tượng, châu Á hiện là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong thập niên này, dự kiến quy mô kinh tế châu Á sẽ lớn hơn tất cả các nền kinh tế khác cộng gộp lại. Kể cả thành công như vậy, cảnh báo của ông Đặng Tiểu Bình vẫn còn giá trị: Thế kỷ châu Á không những chưa biết khi nào mới thành hiện thực, mà còn chưa chắc sẽ xảy ra.

Châu Á trở nên thịnh vượng nhờ Pax Americana (Hòa bình kiểu Mỹ) – nền hòa bình duy trì từ khi kết thúc Thế Chiến thứ II, tạo ra một bối cảnh chiến lược thuận lợi. Nhưng giờ đây, mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc đang đặt ra nhiều nghi vấn sâu sắc cho tương lai châu Á và cục diện đang định hình của trật tự quốc tế. Vận mệnh của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore, đặc biệt đáng lo ngại vì các nước này nằm ngay điểm giao thoa lợi ích của nhiều cường quốc lớn và phải tránh bị kẹt giữa hoặc bị dồn vào thế phải đưa ra lựa chọn khó khăn.

Hiện trạng chính trị - xã hội ở châu Á nhất định sẽ thay đổi. Nhưng hình thái mới sẽ giúp châu Á thành công hơn hay khiến châu lục lâm vào bất ổn? Điều này phụ thuộc vào từng lựa chọn, cả riêng rẽ lẫn kết hợp, của Mỹ và Trung Quốc. Hai cường quốc này phải đưa ra được thỏa thuận trung hòa các đối lập (modus vivendi) để cạnh tranh nhau ở một số lĩnh vực mà không hủy hoại sự hợp tác ở những lĩnh vực khác.

Các nước châu Á coi Mỹ là quyền lực nắm giữ nhiều lợi ích sống còn của khu vực. Trong khi đó, sức mạnh Trung Quốc hiện hữu ngay ngưỡng cửa. Họ không muốn phải chọn lựa giữa hai cường quốc. Nếu Washington cố sức kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc Bắc Kinh muốn thiết lập thế ảnh hưởng độc quyền ở châu Á, hai nước sẽ bắt đầu một tiến trình đối đầu kéo dài hàng chục năm, khiến thế kỷ châu Á mong đợi từ lâu có thể không thành hiện thực.

Hai giai đoạn Pax Americana

Tình trạng hòa bình tương đối (Pax Americana) ở châu Á trong thế kỷ XX có hai giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn đầu từ 1945 đến những năm 1970 - những thập niên đầu của Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và các nước đồng minh tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Mặc dù Trung Quốc cùng phe với Liên Xô đối đầu với Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Hàn Quốc và Việt Nam, Trung Quốc vẫn duy trì mô hình kinh tế tập trung và đóng cửa, với rất ít mối quan hệ với các quốc gia châu Á khác. Trong khi đó, ở các nước châu Á khác, nền kinh tế thị trường tự do cất cánh. Đầu tiên là Nhật Bản, sau đó đến các nền kinh tế công nghiệp hóa mới ở Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.

Mỹ chính là quốc gia khiến châu Á đạt được sự ổn định và thịnh vượng. Mỹ đứng đầu trật tự toàn cầu cởi mở, tích hợp và tương tác dựa trên quy tắc, đem đến sự phòng vệ an ninh, giúp các quốc gia dưới sự bảo hộ của mình có được môi trường hợp tác và cạnh tranh hòa bình. Các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đầu tư rộng rãi vào châu Á, mang theo vốn, công nghệ và những ý tưởng. Khi Washington thúc đẩy thương mại tự do và mở cửa thị trường Mỹ cho toàn thế giới, thương mại giữa châu Á và Mỹ tăng nhanh.

Có hai sự kiện quan trọng hồi những năm 1970 chuyển hướng Pax Americana vào giai đoạn mới: Chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc năm 1971 của Henry Kissinger, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đặt nền móng cho mối quan hệ Mỹ - Trung sau nhiều năm thù địch; và sự ra đời năm 1978 của chương trình "cải cách và mở cửa" của ông Đặng Tiểu Bình giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh. Vào cuối thập niên 70, các rào cản kinh tế đã giảm bớt, và thương mại quốc tế phát triển nhanh chóng. Sau khi Chiến tranh Việt Nam và nội chiến ở Campuchia kết thúc, Việt Nam và những nước Đông Dương khác có thể tập trung năng lượng và nguồn lực của mình cho phát triển kinh tế, và họ bắt đầu bắt kịp với phần còn lại của châu Á.

Nhiều quốc gia châu Á từ lâu xem Mỹ và các nước phát triển khác như đối tác kinh tế chính. Nhưng giờ đây, các nước châu Á ngày càng biết nắm bắt cơ hội từ sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Thương mại và du lịch lớn mạnh, các chuỗi cung ứng liên kết chặt chẽ với Trung Quốc. Trong vòng vài thập niên, Trung Quốc từ chỗ không có nhiều ảnh hưởng kinh tế với phần còn lại của châu Á, trở thành nền kinh tế mạnh nhất và đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực vì thế ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, Pax Americana vẫn còn giá trị, và những thay đổi căn bản trong vai trò của Trung Quốc cũng chỉ diễn ra trong khuôn khổ hòa bình kiểu Mỹ. Trung Quốc không ở vị thế thách thức với vai trò của Mỹ và cũng không muốn làm như vậy. Thay vào đó, nước này điều chỉnh như tuyên bố của ông Đặng Tiểu Bình: “Giấu mình chờ thời”, đặt ưu tiên hiện đại hóa các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ và khoa học lên trên mục tiêu phát triển sức mạnh quân sự.

Nhờ vậy, các nước châu Á được hưởng những điều tốt nhất của cả hai bên, tạo dựng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi duy trì quan hệ bền chặt với Mỹ và các nước phát triển khác. Các nước châu Á cũng tăng cường quan hệ với nhau và cùng phối hợp để tạo nên một cấu trúc hợp tác cởi mở bắt nguồn từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). ASEAN đóng vai trò trung tâm hình thành khối Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989, thiết lập diễn đàn khu vực ASEAN năm 1994, và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thường niên kể từ 2005.

Trung Quốc tham gia đầy đủ vào những tiến trình này. Mỗi năm, thủ tướng Trung Quốc đều tới một nước thành viên ASEAN để gặp gỡ lãnh đạo các nước trong khối, chuẩn bị kỹ lưỡng giải thích Bắc Kinh coi trọng khu vực như thế nào và mang theo các đề xuất mở rộng hợp tác. Khi vai trò của Trung Quốc trong khu vực lớn dần, nước này đưa ra các sáng kiến của riêng mình, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường, và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Những sáng kiến này ngày càng làm quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng sâu sắc hơn, và tất nhiên, nâng cao tầm ảnh hưởng của nước này trong khu vực.

Nhưng vì cấu trúc khu vực mở nên ảnh hưởng của Trung Quốc không phải duy nhất. Mỹ vẫn là một thế lực quan trọng giúp củng cố an ninh và ổn định khu vực, đồng thời tăng cường tham gia kinh tế thông qua các sáng kiến như Đạo luật sáng kiến Tái đảm bảo châu Á và đạo luật BUILD (Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển). ASEAN cũng có các cơ chế đối thoại chính thức với Liên minh châu Âu và Ấn Độ cũng như nhiều nước khác. ASEAN tin rằng một mạng lưới kết nối như vậy sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ hơn, có thêm không gian để thúc đẩy các lợi tích tập thể trên phạm vi quốc tế.

Cho đến nay, công thức này rất hiệu quả. Tuy nhiên, nền tảng chiến lược của Pax Americana đã có sự thay đổi cơ bản. Sau bốn thập niên kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, Trung Quốc chuyển mình. Khi các năng lực kinh tế và công nghệ cùng ảnh hưởng chính trị tăng theo cấp số nhân, tầm nhìn của Trung Quốc với thế giới cũng thay đổi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay không còn trích dẫn câu "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình nữa. Trung Quốc tự coi mình là cường quốc châu lục và khao khát nắm quyền lực toàn cầu, bắt tay vào hiện đại hóa quân đội và huấn luyện lực lượng chiến đấu đẳng cấp thế giới. Trung Quốc muốn bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của mình ở nước ngoài, đảm bảo vị thế mình cho là xứng đáng trong các vấn đề quốc tế.

Cùng lúc đó, Mỹ - vẫn đang là cường quốc đứng đầu về nhiều mặt - đánh giá lại chiến lược lớn của mình. Khi tỷ trọng GDP của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu giảm đi, chưa rõ liệu nước này có tiếp tục đảm đương trọng trách duy trì hòa bình và ổn định quốc tế, hay chọn chiến lược thu hẹp hơn "nước Mỹ trước tiên" để bảo vệ các lợi ích của mình. Khi Mỹ cân nhắc các vấn đề cơ bản về trách nhiệm của mình trong hệ thống toàn cầu, mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh được xem xét kỹ càng hơn.

Các lựa chọn của Mỹ và Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc mỗi nước phải đối mặt với những lựa chọn cơ bản. Mỹ phải quyết định xem việc trỗi dậy của Trung Quốc có phải là mối đe dọa hiện hữu và cố gắng kìm hãm Trung Quốc bằng mọi cách hay chấp nhận Trung Quốc là một cường quốc có các quyền riêng biệt. Nếu chọn con đường thứ hai, Mỹ phải xây dựng cách thức tiếp cận Trung Quốc theo lối thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh lành mạnh bất cứ khi nào có thể và không để sự cạnh tranh tổn hại toàn bộ mối quan hệ. Lý tưởng nhất là sự cạnh tranh sẽ diễn ra trong khuôn khổ các quy tắc và chuẩn mực đa phương đã được thống nhất như của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Có khả năng Mỹ sẽ xem cách thứ hai này quá nhọc công, đặc biệt khi có sự đồng thuận ngày càng tăng trong chính quyền Washington cho rằng kế hoạch lôi kéo Bắc Kinh đã thất bại và cần thực hiện biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhưng dù nhiệm vụ lôi kéo Trung Quốc có khó khăn thế nào, cũng đáng để Mỹ nghiêm túc nỗ lực điều chỉnh tham vọng của Trung Quốc trong khuôn khổ hệ thống các quy tắc và chuẩn mực quốc tế hiện nay. Hệ thống này áp đặt trách nhiệm và ràng buộc lên tất cả các quốc gia, củng cố niềm tin, giúp quản lý xung đột và tạo ra môi trường an toàn và ổn định hơn cho cả hợp tác và cạnh tranh.

Thay vào đó, nếu chọn cách cố gắng ngăn cẩn sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ có nguy cơ kích động trả đũa có thể đưa hai quốc gia vào con đường đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ. Quyền lực Mỹ không phải là đang suy giảm. Mỹ có khả năng phục hồi và sức mạnh tuyệt vời, một trong số đó là khả năng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới; trong số chín người gốc Trung được trao giải Nobel khoa học, tám người là công dân Mỹ hoặc nhập tịch Mỹ sau khi đoạt giải. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc có tiềm lực mạnh mẽ và công nghệ ngày càng tiên tiến; chứ không đơn thuần bắt chước phương Tây hay theo kiểu kinh tế tập trung ở Liên Xô những năm trước khi tan rã. Bất cứ sự đối đầu nào giữa hai cường quốc này đều khó có thể kết thúc tốt đẹp như Chiến tranh Lạnh: một quốc gia sụp đổ trong hòa bình.

Về phần mình, Trung Quốc phải quyết định xem có nên cố gắng đạt lấy quyền lực không gì cản được như tham vọng của mình, chiếm ưu thế nhờ ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế, bất chấp nguy cơ bị đẩy lùi mạnh mẽ, không chỉ từ Mỹ mà còn từ các nước khác. Cách thức này có khả năng làm gia tăng mâu thuẫn và phẫn nộ, điều sẽ ảnh hưởng đến vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trong dài hạn. Đây là một nguy hiểm thực sự: một khảo sát gần đây của Pew Research Center cho thấy người dân ở Canada, Mỹ và các nước châu Á và Tây Âu khác có quan điểm ngày càng ghét bỏ Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực gần đây nhằm xây dựng sức mạnh văn hóa ở nước ngoài, chẳng hạn, thông qua mạng lưới của Viện Khổng Tử, và các tờ báo và đài truyền hình quốc tế thuộc sở hữu của Trung Quốc, xu hướng quan điểm đối với cường quốc này vẫn tiêu cực.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể thừa nhận rằng mình không còn là nước nghèo và yếu; và chấp nhận rằng thế giới hiện kỳ vọng cao hơn vào nước này. Trung Quốc không còn quyền hưởng các nhượng bộ và đặc quyền khi là một nước nhỏ và kém phát triển hơn, như các điều khoản hào phóng khi gia nhập WTO năm 2001. Một Trung Quốc lớn hơn và mạnh hơn không những cần tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu mà còn phải đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong việc duy trì và tạo lập trật tự quốc tế mà nhờ đó nước này đã có được sự phát triển ngoạn mục. Khi các quy tắc và chuẩn mực hiện tại không còn phù hợp với mục đích mới, Trung Quốc cần hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác để đưa ra các thỏa thuận sửa đổi để tất cả các quốc gia có thể cùng chung sống.

Tiến trình trật tự mới không đơn giản. Áp lực trong nước mạnh mẽ thúc đẩy và kìm hãm cả Mỹ và Trung khi lựa chọn chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại ít được quan tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại của Mỹ, và khi được đề cập, trọng tâm chủ yếu luôn là các biến thể của chủ đề “Nước Mỹ trên hết”. Với Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu trong đường lối lãnh đạo là duy trì sự ổn định chính trị nội bộ và sau gần hai thế kỷ cúi đầu chờ thời, nền văn minh cổ đại mới hãnh diện trỗi dậy trở lại. Vì vậy, không thể xem nhẹ việc Mỹ và Trung Quốc sẽ thực hiện các mối quan hệ song phương dựa trên các tính toán hợp lý về lợi ích quốc gia hoặc thậm chí cùng muốn đôi bên cùng có lợi. Hai quốc gia không nhất thiết sẽ đi vào con đường đối đầu, nhưng việc đối đầu cũng không thể loại trừ.

Thế kỷ châu Á lâm nguy (Phần 2)

Theo Foreign Affairs (Tạp chí Nhà Quản Lý biên dịch)

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Thế kỷ châu Á lâm nguy (Phần 1)" tại chuyên mục Khoa học quản lý.