Mới đây, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã thoái vốn khỏi Eximbank sau hơn 14 năm làm cổ đông chiến lược. Cụ thể, HĐQT ngân hàng Eximbank đã có nghị quyết về việc chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh ngày 27/11/2007 giữa SMBC và Eximbank theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2022.
SMBC rút khỏi nhà băng này trong bối cảnh “cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng kéo dài trong suốt nhiều năm và vẫn chưa đi đến hồi kết. Được biết, SMBC đã trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank từ năm 2008 với tỷ lệ nắm giữ lên tới 15% cổ phần và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.
Bên cạnh sự rút lui của cổ đông lớn SMBC, cuộc nội chiến kéo dài ở Eximbank cũng khiến tình hình kinh doanh của nhà băng này bết bát trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng “ăn nên làm ra” trong năm vừa qua.
Nhà băng đầu tiên báo lợi nhuận sụt giảm trong năm 2021
Được biết, trong năm 2021 nhà băng này đã chi khoảng 1.293 tỷ đồng để trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cán bộ, công nhân viên của ngân hàng Eximbank và các công ty con là 5.141 người. Trong khi đó, tại thời điểm cùng kỳ so với năm 2020, tổng số nhân viên là 5.561 người, nghĩa là giảm 420 người. Tại ngân hàng mẹ Eximbank số nhân viên trong năm 2021 cũng giảm 425 người xuống còn 5.083 người.
Vào năm 2020, số nhân viên của nhà băng này cũng giảm tới 780 người. Trong nhóm ngân hàng tầm trung, ngân hàng lớn, Eximbank là ngân hàng có tình hình cán bộ nhân viên sụt giảm mạnh nhất 2 năm trở lại đây.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 4/2021, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Eximbank là 1.205 tỷ đồng và sau thuế là 965 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân chính làm cho lợi nhuận của nhà băng này sụt giảm là do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi năm 2020, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Eximbank đạt 165.832 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm.
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Eximbank đặt ra mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021.
Nhiều lần tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thành, lộ danh sách 'ghế nóng' tại Eximbank
Eximbank được xem là một trong những ngân hàng “lạ” nhất Việt Nam khi liên tục tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thành. Theo đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 kéo dài cho đến nay vẫn chưa thể tổ chức thành công.
Nếu tính từ 2019 đến nay, nhà băng này đã phải hoãn, dời, tổ chức bất thành liên tục 11 đại hội cổ đông, tính cả đại hội cổ đông thường niên lẫn bất thường. Được biết, nguyên nhân chính yếu của việc này là do việc tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, không tìm được tiếng nói chung dẫn đến việc không thống nhất được tỷ lệ, ý kiến để tổ chức đại hội trong suốt nhiều năm qua.
Ngoài việc tổ chức đại hội cổ đông không thành công, Eximbank còn là ngân hàng có ban lãnh đạo không ổn định, liên tục thay đổi chủ tịch HĐQT. Cụ thể, ngân hàng này cũng đang “lập kỷ lục” chỉ trong vòng 2 năm mà có tới 5 đời chủ tịch HĐQT. Đặc biệt, có chủ tịch HĐQT chỉ giữ chức vị này trong vòng 55 phút.
Theo kế hoạch, ngày 15/2/2022, Eximbank tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai để tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.
Có 126 nhà đầu tư tham dự với số lượng hơn 1 tỉ cổ phần, nắm tỷ lệ 85,5% vốn của Eximbank. Kết quả bỏ phiếu thông qua quy chế tiến hành đại hội với tỷ lệ 60,25% đồng ý và 39,73% không đồng ý. Đây là lần tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021 lần thứ hai của Eximbank nhưng cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây nhà băng này mới có đủ tỉ lệ cổ đông tham dự theo quy định. Sự căng thẳng tranh chấp vào vị trí “ghế nóng” HĐQT cũng như sự không thống nhất giữa các thành viên “thượng tầng” khiến cuộc chiến nội bộ Eximbank kéo dài nhiều năm qua.
Nhiều kỳ vọng trong đợt tổ chức kỳ đại hội lần này sẽ thành công khi danh sách đề cử thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 7 (2020 - 2025) được "kẹp" vào tài liệu đại hội. Số lượng thành viên gồm 7 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.
Theo như danh sách ứng viên HĐQT trước đó đề cử 7 người gồm bà Lê Hồng Anh (Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán - Công ty CP Tập đoàn Thành Công), ông Đào Phong Trúc Đại (Tổng giám đốc - Công ty TNHH phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam), ông Võ Quang Hiển (Giám đốc điều hành bộ phận tài trợ thương mại toàn cầu - Ngân hàng Sumitomo Mitsui - chi nhánh Singapore), ông Nguyễn Hiếu (thành viên HĐQT - Công ty CP chứng khoán Rồng Việt) , ông Nguyễn Thanh Hùng (Phó chủ tịch thứ 1 HĐQT - Công ty cổ phần BCG Land), bà Đỗ Hà Phương (đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành - Công ty TNHH VNInvest Partners) và bà Lương Thị Cẩm Tú (thành viên HĐQT Eximbank).
Danh sách một số ứng cử viên Ban kiểm soát có ông Nguyễn Ngọc Dũng, bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc (do nhóm Công ty CP Tập đoàn Thành Công đề cử), bà Phạm Thị Mai Phương (do nhóm bà Lương Thị Cẩm Tú đề cử), ông Trịnh Bảo Quốc (do nhóm bà Ngô Thu Thúy đề cử), ông Ngo Tony (nhóm Công ty CP Thắng Phương, Nguyễn Hồ Nam đề cử).
Trong danh sách 7 thành viên HĐQT, chỉ có bà Lương Thị Cẩm Tú là người cũ, 6 người ứng cử còn lại hoàn toàn mới. Trong đó, có một số thành viên được nhóm có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank là bà Đỗ Hà Phương; cổ đông Ngô Thu Thúy đề cử ông Nguyễn Hiếu; nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn Thành Công đề cử 2 ứng viên là ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh. Danh sách HĐQT nhiệm kỳ trước đó có tổng cộng 9 thành viên.