Tăng đầu tư công sau dịch bệnh

thunguyen

04/06/2020 10:02

Đầu tư các dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (đầu tư công) có thể là yếu tố tích cực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong năm 2020 - 2021, cơ quan này sẽ triển khai hai dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Đây là hai dự án được xếp vào nhóm dự án đầu tư công khẩn cấp theo nghị quyết của Chính phủ. Tổng mức đầu tư hai dự án trên 4.000 tỉ đồng.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng dẫn nguồn tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự kiến đến hết năm 2020, thành phố có 37 dự án có quy mô lớn phải hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 39 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có một số dự án trọng điểm như hầm chui nút giao An Sương (quận 12); đường gom thuộc đường dẫn cao tốc vào cao tốc TPHCM-Trung Lương; dự án thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (giai đoạn 1); Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2); dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)…

Trong khi giảm lãi suất hay các gói cứu trợ là công cụ của chính sách tiền tệ thì công cụ tài khoá thường được các chính phủ sử dụng để kích cầu nền kinh tế là đầu tư công.

Đầu tư công thường hướng tới các dự án hạ tầng thu hút khối lượng việc làm khổng lồ, đảm bảo đời sống và thu nhập cho một bộ phận người lao động, qua đó kích cầu nền kinh tế. Các dự án hạ tầng cũng góp phần giúp nền kinh tế được vận hành tốt hơn, thông suốt hơn.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đầu tư công cũng gặp nhiều cản trở khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm chạp. Trong bốn năm trở lại đây, mức chi đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước luôn thấp hơn so với kế hoạch, và tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đang giảm dần.

Mức giải ngân ngân sách nhà nước hàng năm thường dao động xung quanh 300 nghìn đến 340 nghìn tỉ đồng, theo số liệu từ Tổng Cục thống kê. Trong khi đó tổng vốn đầu tư công năm 2020 đạt gần 700 tỉ đồng, kết dư nguồn vốn chưa được sử dụng từ những năm trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đầu tháng Tư vừa qua.

Giải ngân ngân sách nhà nước hàng năm thường chậm trễ ở ba quý đầu tiên và tăng tốc ở quý cuối năm - là thời gian quyết toán các dự án hạ tầng.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên triển khai các dự án hạ tầng hợp tác công tư (PPP) cho biết mặc dù các dự án đầu tư công đang được khởi động trở lại, tốc độ giải ngân nhìn chung vẫn chậm chạp. “Từ khi được phê duyệt dự án đến khi được giải ngân ít nhất phải mất chín tháng” - ông cho biết.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Tăng đầu tư công sau dịch bệnh" tại chuyên mục Khoa học quản lý.