Người ra đường sau 18h bị phạt tiền hay tạm giữ hành chính?

Võ Ngọc Á Tiên

28/07/2021 20:56

Bà Võ Ngọc Á Tiên,  chuyên viên pháp lý tại Công ty Luật TNHH TriLaw  (TPHCM) phân tích khía cạnh pháp luật về chế tài đối với người vi phạm quy định của UBND TPHCM ra đường sau 18h tối mỗi ngày và quy định về giới nghiêm.

nguoi-ra-duong-sau-18h-1627306274.jpg

Lực lượng chức năng kiểm tra người ra đường sau 18h tại TPHCM (Ảnh Quang Định)

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thực hiện quyết liệt hơn trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 26/7/2021, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 2490/UBND-VX (“Văn bản 2490”).

Theo đó, bắt đầu từ ngày 26/7, người dân không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, trừ hoạt động cấp cứu và một số trường hợp ngoại lệ khác được UBND TP quy định, trong đó có phóng viên, nhà báo.

Sau TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh cũng yêu cầu người dân không ra đường trong khoảng thời gian từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, ngoại trừ 5 nhóm làm công tác liên quan phòng chống dịch và một số dịch vụ thiết yếu.

Người dân ra đường trong thời gian từ 18:00 đến 6:00 sẽ bị phạt tiền

Căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, người dân ra đường trong khoảng thời gian 18 giờ 00 đến 6 giờ 00 (hàng ngày) mà không thuộc trường hợp được phép hoạt động có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Về mức phạt cụ thể, điểm 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020 quy định, đối với hành vi ra đường sau 18h đến 6h sáng hôm sau ở Tp. Hồ Chí Minh mà không thuộc trường hợp được phép hoạt động thì:

  • Trong trường hợp thông thường, người vi phạm sẽ bị xử phạt 2 triệu đồng.

  • Nếu người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ, mức phạt tiền có thể được giảm xuống nhưng không thấp hơn 1 triệu đồng;

  • Nếu người vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không vượt quá 3 triệu đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp người dân vi phạm quy định của Văn bản 2490 mà dẫn đến làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Mức thấp nhất của khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội danh này theo quy định tại Khoản 1 Điều Điều 240 Bộ Luật Hình Sự 2015 là “bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

 

Quy định hạn chế người dân ra đường sau 18h tại TP. Hồ Chí Minh có phải là lệnh giới nghiêm?

Giới nghiêm” (hoặc thường được biết đến với cụm từ “giờ giới nghiêm”, “lệnh giới nghiêm”) được quy định tại Điều 22 Luật Quốc Phòng 2018.

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Quốc Phòng, “giới nghiêm là biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và hoạt động vào những giờ nhất định tại những khu vực nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của người có thẩm quyền tổ chức thực hiện lệnh giới nghiêm”.

Lệnh giới nghiêm theo quy định phải có đủ các yếu tố sau đây:

Yếu Tố 1: Được ban bố trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại một hoặc một số địa phương diễn biến phức tạp đe dọa gây mất ổn định nghiêm trọng và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng;

Yếu Tố 2: Được ban bố bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phạm vi từng địa phương (Thủ tướng chính phủ/UBND cấp tỉnh/UBND cấp huyện/UBND đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt);

Yếu Tố 3: Nội dung lệnh có các nội dung luật định: (i) Khu vực giới nghiêm; Đơn vị đảm nhiệm và nhiệm vụ thi hành; (ii) Thời hạn bắt đầu và kết thúc; (iii) Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm; (iv) Quy tắc trật tự xã hội cần thiết; (v) Các biện pháp được áp dụng (Cấm người, phương tiện hoạt động; đặt trạm kiểm soát; bắt giữ và xử lý người, phương tiện vi phạm lệnh giới nghiêm…).

Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định “mọi người dân trên địa bàn Thành phố hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ 00 đến 6 giờ 00 (hàng ngày)” tại Văn bản 2490 vào thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa gây mất ổn định tình hình an toàn xã hội tại TP.HCM đã thỏa mãn Yếu Tố 1 và Yếu Tố 2.

Tuy nhiên, Văn bản 2490 không có đủ các nội dung lệnh giới nghiêm phải có theo quy định là: thiếu quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khu vực giới nghiêm; chưa nêu quy tắc trật tự xã hội cần thiết cũng như các biện pháp được áp dụng liên quan đến bắt giữ, xử lý người vi phạm.

Bởi vì Văn bản 2490 chưa thỏa Yếu Tố 3 theo quy định của pháp luật để trở thành lệnh giới nghiêm, do đó việc một số người đã sử dụng từ giới nghiêm khi đăng lên mạng xã hội để nói về việc trên là chưa phù hợp.

Cần phải hiểu rằng, Văn bản 2490 của UBND TPHCM chỉ là biện pháp nhằm siết chặt việc giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tối đa mật độ lưu thông trên đường, từ đó có thể kiểm soát tình hình dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ các phân tích nêu trên, trong trường hợp người dân ra đường sau 18h đến 6h sáng hôm sau sẽ bị phạt tiền, mà không bị áp dụng các chế tài tạm giữ hành chính, như trường hợp vi phạm lệnh giới nghiêm.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính sẽ vẫn có thể áp dụng nếu rơi vào trường hợp người dân ra đường vào khung giờ hạn chế nêu trên mà có hành vi chống đối hoặc cản trở những người thi hành công vụ.

Võ Ngọc Á Tiên