Hàng đêm cứ vào khoảng 10 giờ tối, ánh đèn tại trại tù binh chiến tranh ở Indonesia sẽ mờ đi một cách bí ẩn khiến các lính canh người Nhật khó hiểu. Họ không phát hiện ra các bộ gia nhiệt ngâm nước do William Phillips, một tù nhân từ New Zealand, tự chế ra để nấu nước pha trà. Bí mật này chỉ là một ví dụ cho sự tháo vát của ông.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Phillips dựng nên một mô hình “thủy lực” về dòng thu nhập luân chuyển trong nền kinh tế - một mê cung các bồn nước, van chỉnh áp và đường ống đã giúp ông được bổ nhiệm vào Trường Kinh tế London. Nhưng cả hai điều trên đều không phải lý do tại sao Phillips được mọi nhà kinh tế ngày nay biết đến. Thay vào đó, danh tiếng của ông là ở một nghiên cứu xuất bản năm 1958, ghi chép lại mối quan hệ đáng chú ý, kéo dài hàng thập kỷ giữa lạm phát tiền lương và thất nghiệp ở Anh. Hai tỉ lệ có xu hướng đối nghịch. Một đường cong đi xuống, được ông vẽ chủ yếu bằng tay, minh họa cho quan điểm này. Đường cong Phillips, tên gọi được biết đến rộng rãi, được mô tả “có lẽ là mối tương quan kinh tế vĩ mô quan trọng nhất”, đồng thời cũng được coi là “nghiên cứu lỏng lẻo nhất” mà Phillips từng thực hiện.
Nền tảng và hình dạng của đường cong Phillips trong suốt 60 năm qua đã qua nhiều lần nghi vấn, bao gồm cả thời kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Nhưng logic của đường cong vẫn hướng dẫn các ngân hàng trung ương đến ngày nay.
Khi kinh tế phát triển mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp, các ngân hàng trung ương lo lắng rằng người lao động sẽ đòi tăng lương cao hơn cả mức lạm phát hay mức năng suất được cải thiện. Nếu các doanh nghiệp đẩy mức trả lương cao hơn này cho khách hàng bằng cách tăng giá, lạm phát sẽ gia tăng. Nếu các ngân hàng trung ương muốn ngăn chặn lạm phát, họ sẽ tăng lãi suất khoản cho vay, làm chậm lại sự phát triển kinh tế và hạn chế áp lực tiền lương.
Điều ngược lại xảy ra ở phía kia của đường cong. Tỉ lệ thất nghiệp cao làm giảm tiền lương và chi tiêu, đè lại mức lạm phát. Để chống lại việc này, các nhà hoạch định chính sách thường cắt giảm lãi suất.
Các ngân hàng trung ương hy vọng sẽ tìm thấy mình ở đâu đó khoảng giữa: với mức lạm phát như họ muốn và tỉ lệ thất nghiệp vừa đủ. Trong hoàn cảnh tốt như vậy, họ nhắm tới việc đặt ra một mức lãi suất “trung lập” để giữ lạm phát ở ngay mức đó.
Hầu hết các ngân hàng trung ương ở các nước giàu có mục tiêu tỉ lệ lạm phát khoảng 2%. Ở mức độ khiêm tốn như vậy, lạm phát không gây mấy phức tạp cho kế hoạch tài chính hoặc làm xói mòn niềm tin vào tiền tệ. Nhưng điều đó khiến tiền lương giảm nhẹ, so với giá cả, khi gói lương được trả không hề giảm đi. Ngược lại, việc trả lương người lao động thấp đi đó có thể giúp duy trì việc làm trong thời kỳ suy thoái.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lạm phát liên tục giảm so với mục tiêu của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia (xem biểu đồ). Trước hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát thấp như vậy không có gì là khó hiểu. Tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh, đạt 10% ở Mỹ vào tháng Mười năm 2009. Trong hoàn cảnh đó, điều ngạc nhiên duy nhất là lạm phát không giảm thêm. Nhưng sau khi kinh tế phục hồi, lạm phát tiếp tục giữ nguyên ngay cả khi thất nghiệp ở Mỹ, khối kinh tế EU và Nhật Bản đã giảm xuống thấp một cách bất thường. Điều đó đã buộc các nhà kinh tế phải xem xét lại mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp.
Vào những năm 1960, một số người hoài nghi, có lẽ đáng chú ý nhất là Milton Friedman, đã chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát, cũng như những dự đoán làm nền tảng cho nó, chẳng mấy vững chắc. Nếu lạm phát dự đoán là 2%, thì những người lao động bị ảnh hưởng bởi tỉ lệ thất nghiệp thấp có thể yêu cầu tăng lương 3 hoặc 4%. Nhưng nếu lạm phát dự đoán là 10%, thì những người lao động, tương tự, có thể yêu cầu tăng lương 11% hoặc hơn. Vào những năm 1970, lạm phát vẫn cao dù tỉ lệ thất nghiệp cao chính ra là do dự đoán về lạm phát của người lao động tăng quá nhiều. Các nhà kinh tế học đã quyết định "làm rõ nét" đường cong Phillips bằng cách thêm yếu tố dự đoán lạm phát này cùng với tỉ lệ thất nghiệp như một yếu tố quyết định lạm phát riêng rẽ.
Một biến số khác của lạm phát là từ nước ngoài vào. Thất nghiệp trong nước ít ảnh hưởng đến mức lương ngoại quốc. Giá cả của bất cứ thứ gì người tiêu dùng mua từ nước ngoài sẽ được xác định bởi các yếu tố khác. Vì lý do này, một số nhà kinh tế học thêm thước đo giá nhập khẩu vào đường cong.
Tuy nhiên, cả hai yếu tố cộng thêm này đều không thể giải thích tình trạng không lạm phát những năm gần đây. Nhập khẩu từ những nước như Trung Quốc có thể kìm hãm giá một số sản phẩm, như đồ điện gia dụng. Nhưng đó không phải lý do tại sao giá cả nói chung giảm xuống. Nếu Trung Quốc đang kìm hãm giá của một phần giỏ mua sắm, ngân hàng trung ương Mỹ đáng lẽ có thể khuyến khích giá thành các sản phẩm khác tăng cao để cân bằng. Lạm phát 2 % hoàn toàn tương ứng với việc vài sản phẩm giảm giá mạnh, miễn là có đủ các sản phẩm khác tăng đủ nhanh.
Dự đoán lạm phát cũng chỉ có thể giải thích một phần câu đố. Dự đoán này đã ở mức thấp trong nhiều thập kỷ: ở Mỹ, chúng không vượt quá 3% trong 20 năm, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland. Những dự đoán thấp này đã làm dịch chuyển đường cong Phillips theo hướng đi xuống, đến mức tỉ lệ thất nghiệp nhất định luôn đi kèm với tỉ lệ lạm phát thấp hơn.
Trọng tâm của câu đố
Nhưng những gì xảy ra với đường cong Phillips trong những năm gần đây rất khác: đường cong giống như bị đảo chiều hơn thay vì mấp mô lên xuống. Lạm phát có vẻ như ít nhạy cảm với tình trạng không việc làm, khiến đường cong bị kéo phẳng một cách lạ lùng. Điều này có thể vì tỉ lệ thất nghiệp phản ánh sai lượng việc làm còn có thể lấp đầy trong nền kinh tế. Cho đến trước năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã giảm đến mức thấp bất ngờ, thu hút một số người ngoài lực lượng lao động quay lại làm việc. Các công ty Nhật Bản tìm thấy cơ hội phát triển bằng cách thuê nhiều lao động nữ và lao động lớn tiểu trước được tính là thất nghiệp.
Lạm phát có thể cũng sẽ chậm tăng trong thời kỳ bùng nổ việc làm vì lý do tương tự khi lạm phát chậm giảm trong thời kỳ việc làm thiếu thốn. Trong thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp lưỡng lự giảm lương, vì sợ ảnh hưởng năng suất lao động của nhân viên. Nhưng vì họ hạn chế cắt giảm lương trong thời điểm khó khăn, họ có thể trì hoãn tăng lương trong hoàn cảnh thuận lợi. Theo quan điểm này, mức lương cuối cùng sẽ tăng. Chỉ là không thể tăng nhanh. Và nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như một đại dịch, có thể sẽ chặn đứng việc tăng lương.
Tác động của tỉ lệ thất nghiệp thấp lên lạm phát cũng dễ phát hiện ra hơn nếu dữ liệu nhiều hơn, theo quan điểm của Peter Hooper của Ngân hàng Đức, Frederic Mishkin của Đại học Columbia và Amir Sufi của Đại học Chicago trong một nghiên cứu xuất bản năm 2019. Để làm tăng số lượng trường hợp quan sát, họ chia nhỏ nước Mỹ thành các bang và thành phố riêng rẽ. Ở mức độ hành chính thấp hơn quốc gia này, họ phát hiện ra nhiều ví dụ về thị trường việc làm “nóng hổi” trong số ít các thập kỷ gần đây, và một mối liên kết rõ ràng hơn giữa lương và lạm phát về giá. Họ chú thích: đường cong Phillips địa phương đang “sống khỏe”, và có lẽ phiên bản đường cong quốc gia chỉ là đang “ngủ đông”.
Để lương cao hơn chuyển thành giá cả tốt hơn có thể cũng mất thời gian. Trên thị trường rau củ quả nhộn nhịp, các quầy hàng viết giá trên bảng phấn, dễ dàng chùi đi và viết lại. Nhưng đối với nhiều doanh nghiệp khác, thay đổi giá cả rất tốn kém. Khi lạm phát thấp, họ cũng chỉ có thể thi thoảng đổi giá: không đáng in ra nguyên một menu mới chỉ để tăng giảm giá 2%. Tuy nhiên, sự kém linh hoạt này cũng có nghĩa rằng các doanh nghiệp hiếm khi có cơ hội điều chỉnh giá sản phẩm để phản ánh thay đổi trong tình hình kinh doanh. Nền kinh tế đã phải khác đi rất nhiều trước khi giá cả có sự thay đổi.
Mặc dù một đường cong Phillips thẳng thớm có thể khiến các ngân hàng trung ương đau đầu như bất cứ ai, họ có thể phải chịu một phần trách nhiệm cho điều này. Đường cong đáng lẽ phải chúc xuống (khi lạm phát hoặc tỉ lệ thất nghiệp cao, thì cái còn lại phải thấp). Nhưng các chính sách của ngân hàng trung ương đã uốn cong đường Phillips theo chiều ngược lại. Khi lạm phát có vẻ như sắp tăng, các ngân hàng trung ương thường thắt chặt lại kinh tế, khiến tỉ lệ thất nghiệp nhiều hơn một chút. Khi lạm phát chuẩn bị giảm, họ làm ngược lại. Hệ quả là thất nghiệp nhích lên trước khi lạm phát có thể xảy ra, và đi xuống trước khi lạm phát giảm. Tỉ lệ thất nghiệp biến động để lạm phát được đứng yên.
Theo quan điểm này, mối quan hệ giữa sự thành công của thị trường lao động và lạm phát vẫn tồn tại. Và các ngân hàng trung ương vẫn có thể tiếp tục tận dụng lý thuyết này. Nhưng chính xác là vì họ vẫn đang tận dụng, mối quan hệ không thể hiện trong dữ liệu. “Ai đã giết chết đường cong Phillips?”, Jim Bullard của ngân hàng trung ương Mỹ đặt câu hỏi tại một hội thảo với đồng nghiệp của mình năm 2018. “Thủ phạm đang ở ngay trong căn phòng này”.
Nhưng điều gì xảy ra khi những thủ phạm này mất hết vũ khí? Để giữ thẳng đường cong Phillips, các ngân hàng trung ương phải cắt giảm được lãi suất bất cứ khi nào lạm phát có nguy cơ giảm. Vậy mà họ vẫn có thể hết đường để cắt giảm. Họ không thể giảm lãi suất xuống mức dưới zero quá nhiều, vì người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng và giữ tiền mặt.
Khi ông Bullard phát biểu điều trên, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự đoán nền kinh tế sẽ tiếp tục vững mạnh, cho phép mình tiếp tục tăng mức lãi suất. Nhưng điều đó được chứng minh là bất khả thi. Fed đã không tăng được lãi suất hơn mức 2,5% trước khi phải ngừng lại (tháng Một 2019), sau đó đảo ngược quá trình. Mức lãi suất trung lập chứng tỏ thấp hơn Fed dự đoán. Điều này chừa lại ít đường để cắt giảm thêm lãi suất khi COVID-19 tấn công.
Theo nhiều nhà quan sát, mức lãi suất trung lập đã giảm do dòng vốn toàn cầu. Các nước có dân số già với mức tiết kiệm cao trên thế giới dẫn đến việc quá nhiều vốn mà quá ít vụ đầu tư. Bằng cách giảm tỉ lệ trung lập này, nguồn vốn tiết kiệm “dư thừa” trên toàn cầu đã để ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất xuống gần sàn hơn họ mong muốn. Điều này khiến họ khó khăn hơn để cân đối bất kỳ áp lực bổ sung nào làm giảm giá thành.
Friedman cho rằng các ngân hàng trung ương có thể ngăn cản lạm phát nếu đủ quyết tâm làm việc đó. “Không có vấn đề kỹ thuật nào để kết thúc lạm phát”, ông viết năm 1974. “Rào cản thực sự là lý do chính trị”. Liệu việc cải biến lạm phát có sự khác biệt nào không? Các ngân hàng trung ương đối mặt với hai giới hạn kỹ thuật. Đầu tiên, họ không thể giảm mức lãi suất xuống mức âm quá nhiều. Và họ chỉ có thể mua lại các tài sản tài chính, chứ không phải hàng hóa tiêu thụ. Các ngân hàng trung ương có thể in ra số lượng tiền vô hạn. Nhưng họ không thể cưỡng ép bất kỳ ai tiêu số tiền này.
Một giải pháp đó là phối hợp với chính phủ, định chế có thể sử dụng bất kỳ khoản tiền nào ngân hàng trung ương tạo ra. Trước COVID-19, liên minh này rất hiếm gặp. Nhưng ngày càng nhiều ngân hàng trung ương, ở cả các nước giàu hay đang phát triển, đều đang thay đổi điều này. Sự hợp tác sẽ nỗ lực chặn đứng nguy cơ tỉ lệ thất nghiệp liên quan đến đại dịch biến lạm phát thành giảm phát ngay trước mắt. Nếu các ngân hàng trung ương thất bại, đây sẽ là thảm họa kinh tế: thất nghiệp hàng loạt đi đôi với lạm phát âm. Và sẽ không gì an ủi được các sinh viên kinh tế học khi sự kết hợp này sẽ làm mất đi sự thẳng thớm của đường cong nổi tiếng nhất trong chuyên ngành của mình.