Giới nhà giàu, những người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên đang hướng tới những tài sản xa xỉ vô hình, ví dụ một cuốn hộ chiếu bổ sung, hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu. COVID-19 đã trực tiếp làm thay đổi thói quen tiêu dùng và hệ giá trị của nhiều người, trong đó có những người giàu và siêu giàu.
Báo cáo mới được công bố của tổ chức đánh giá tài sản WealthX cho rằng dịch bệnh trên quy mô toàn cầu đã nhắc nhở con người một lần nữa về những giá trị thực sự quan trọng với họ. Khi không thể tự do du lịch và thưởng thức những bữa tiệc sang trọng, mua sắm các sản phẩm xa xỉ như trước, người giàu đang hướng tới những giá trị mang lại sự an toàn cho bản thân và gia đình.
Với các gia đình siêu giàu, quyền công dân cùng những phương tiện giao thông cá nhân (trong đó có máy bay cá nhân) giúp họ có thể đi lại, vượt qua các biên giới lẽ ra bị đóng cửa.
Đầu tư cư trú - là dạng đầu tư giúp các chủ đầu tư được chính quyền quốc gia nhận đầu tư cấp thêm hộ chiếu cho bản thân và gia đình đang ngày càng phát triển, ngay cả trước đại dịch. Đó là cách để các cá nhân và gia đình siêu giàu không chỉ đa dạng hoá danh mục đầu tư bằng cách chuyển tiền sang một nước khác, mà còn nhận được các lợi ích về quốc tịch, hưởng các quyền lợi về giáo dục, y tế,… mà nước sở tại đang còn hạn chế.
Trong giai đoạn dịch bệnh, phương án có thêm một quốc tịch mới giúp họ có thêm nơi trú ẩn an toàn, đề phòng cho tương lai.
Đảo Síp và Malta đang là những quốc gia được nhiều người lựa chọn nhờ cơ hội định cư và tự do di chuyển khắp châu Âu. Chỉ những gia đình siêu giàu mới có thể tham gia các chương trình định cư này, do chi phí đắt đỏ, lên tới hàng triệu USD. Một chương trình định cư tại Úc có thể mất chi phí từ 1 - 3,5 triệu USD, New Zealand khoảng 1,9 - 6,5 triệu USD - theo CNN.
Bên cạnh cuốn hộ chiếu thứ hai, dịch vụ chăm sóc y tế theo yêu cầu, những bữa ăn sang trọng phục vụ tại nhà, người giàu cũng tìm kiếm ngôi nhà thứ hai đảm bảo an toàn, riêng tư ngay tại đất nước họ đang sống.
Linh Anh