Thâu tóm Sacombank
Năm 2002-2004, Công ty Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn do ông là Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) chiếm lĩnh toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.
Năm 2004, ông Trầm Bê tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực tài chính với việc mua một lượng lớn cổ phần của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và trở thành thành viên HĐQT.
Ông Trầm Bê sau đó tiếp tục thâu tóm cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sau đó, kiến nghị cho sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, khi đó là một nhà “bank” yếu kém, có tỉ lệ nợ xấu cao vào Sacombank và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận vào tháng 8/2015.
Sau khi được tiếp quản bởi ông Trầm Bê, từ một ngân hàng hàng đầu, Sacombank rơi vào tình trạng khó khăn với hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu và phải tái cấu trúc.
Trước đó, Sacombank từng được biết đến là một ngân hàng đứng đầu trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, dưới thời ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch HĐQT. Cú thâu tóm này bắt đầu từ năm 2011 với một nhóm cổ đông giấu mặt.
Đại gia giấu mặt sau đó lộ diện chính là ông Trầm Bê. Sự ra mắt hoành tráng của ông Trầm Bê, kèm theo đó là cú sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, khiến Sacombank sau sáp nhập càng phức tạp hơn.
Hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu đã trở thành gánh nặng chung, và câu chuyện tái cơ cấu Sacombank trở nên rối rắm hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh các cơ chế xử lý nợ xấu chưa được khởi thông, tài sản đảm bảo khó có thể xử lý để thu hồi tiền cho vay về cho ngân hàng.
Trong năm 2014 trước khi sáp nhập với Sacombank, Phương Nam chỉ lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4 ngàn tỷ đồng, nợ xấu chiếm gần 6%. Nhiều năm liên tiếp kể từ ngày thành lập, cổ đông Ngân hàng Phương Nam không được chia cổ tức.
Còn tại Sacombank, tới cuối 2016, nợ xấu là hơn 13,7 ngàn tỷ đồng (6,9% dư nợ). Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC và một số khoản phải thu từ SouthernBank, tổng nợ sẽ còn lớn nhiều lần.
Vướng vào lao lý
Ngày 1/8/2017, thông tin đại gia Trầm Bê bị bắt gây chấn động trong giới kinh doanh. Theo đó, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Sacombank.
Cụ thể, đã ký phê duyệt ngay 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 đồng ý chủ trương cấp tín dụng cho 6 công ty sân sau của ông Danh vay tiền với lãi suất 3%/năm.
Ông Trầm Bê còn đồng ý cho giải ngân trước, còn các chứng từ sử dụng vốn đầy đủ được bổ sung sau khi giải ngân (!). Sau khi Trầm Bê ký duyệt, đầu giờ chiều 26/4/2013, Mai Hữu Khương (cấp dưới của ông Danh) tiếp tục triệu tập 6 giám đốc công ty của ông Danh đến Tập đoàn Thiên Thanh để ký hợp đồng vay tiền, hợp đồng bảo lãnh cầm cố giấy tờ do Sacombank phát hành.
Trong ngày 26/4, toàn bộ khoản vay được giải ngân và 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh. Một năm sau, ngày 26/4/2014, hết thời hạn hợp đồng, 6 công ty này không trả được nợ vay nên Sacombank đã thu hồi nợ gốc 1.800 tỉ đồng, lãi vay 35 tỉ đồng từ 2 tài khoản của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) tại Sacombank. Điều đáng nói, với 1.800 tỷ đồng của Sacombank, Phạm Công Danh lại dùng số tiền này vào nhiều mục đích khác nhau. Từ đó, dẫn đến thiệt hại cho VNCB. Đối với vụ án này, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Trầm Bê 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không chỉ tiếp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỉ đồng, Trầm Bê còn được nhắc đến trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gây thất thoát cho Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn chi nhánh 6, TP.HCM (Agribank chi nhánh 6) gần 967 tỉ đồng do Dương Thanh Cường (50 tuổi, ngụ quận 6, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) cùng 10 đồng phạm thực hiện.
Theo hồ sơ, cùng một sổ đỏ ở số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú và 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM), Dương Thanh Cường vừa thế chấp cho Agribank chi nhánh 6, vừa thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay tiền.
Năm 2007, đối với Agribank chi nhánh 6, bằng các hợp đồng thế chấp không công chứng, không giao dịch đảm bảo, ngân hàng này đã cho Cường vay gần 800 tỉ đồng. Năm 2008, Cường tiếp tục đến gặp ông Trầm Bê (thời điểm này đang là Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Phương Nam) đề nghị vay tiền nhưng Trầm Bê yêu cầu có tài sản thế chấp.
Tháng 4/2008, Cường ký văn bản gửi Agribank chi nhánh 6 với nội dung xin mượn lại sổ đỏ ở số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú và 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, với lý do trình UBND TP.HCM duyệt dự án xây dựng trung tâm thương mại, khu dân cư biệt lập cao cấp.
Ngay khi lấy được giấy tờ tài sản thế chấp ra, Cường đem những tài sản này tiếp tục thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam để vay 15.846 lượng vàng SJC và 190 tỉ đồng, rồi gán nợ luôn cho Ngân hàng Phương Nam. Với tài sản thế chấp là 23 sổ đỏ, khi vụ án Dương Thanh Cường và đồng phạm bị đưa ra xét xử, giữa Agribank và Ngân hàng Phương Nam đã xảy ra tranh chấp. Đồng thời, dẫn đến Ngân hàng Phương Nam thiệt hại 505 tỷ đồng. Đối với vụ án này, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên ông Trầm Bề 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hình phạt mà ông Trầm Bê phải chấp hành là 7 năm tù.
Ngày 15/2/2023, thông tin từ Trại giam Bến Giá (Bộ Công an, đóng tại tỉnh Trà Vinh) xác nhận ông Trầm Bê đã thi hành xong 2 bản án hình sự. Đồng thời đã ra tù vào ngày 10/2.
Trở lại thương trường
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Công ty CP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) đã bầu ông Trầm Bê làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 với tỷ lệ tán thành gần 99%.
Bệnh viện Triều An được ông Trầm Bê cùng các cổ đông khác góp vốn xây dựng năm 2001. Tổng vốn điều lệ là khoảng 490 tỷ đồng. Bệnh viện được xây dựng trên tổng diện tích xây dựng 21.600m² và là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận “đa chuyên khoa sâu” và có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Báo cáo tài chính của Bệnh viện Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách Hội đồng quản trị do đây là thời gian ông Trầm Bê chấp hành bản án tù, tuy nhiên những người thân của ông vẫn nắm giữ những vị trí cao ở bệnh viện.
Cụ thể, con gái ông - bà Trầm Thuyết Kiều vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty và nắm giữ 21,4% vốn cổ phần; ông Trầm Sê - anh trai ông Trầm Bê - đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Kiểm soát và chị vợ ông Trầm Bê là bà Viên Tú Anh nắm 3,44% vốn.
Về kết quả kinh doanh của Bệnh viện Triều An, năm 2022, bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu đạt 591 tỷ đồng và lãi sau thuế 40,99 tỷ đồng. Năm nay, Bệnh viện Triều An đặt mục tiêu doanh thu đạt 628 tỷ đồng và 47,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 15% so với năm ngoái.
Kết thúc quý đầu năm nay, Bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu thuần đạt 141 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ và báo lãi sau thuế hơn 19 tỷ đồng, gấp 9,4 lần so với cùng kỳ.
Tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của Bệnh viện Triều An tăng nhẹ so thời điểm đầu năm và đạt gần 1.130 tỷ đồng.