Liên quan đến phản ánh của khách hàng Hồ Thị Thùy Dương tại Cam Ranh, Khánh Hòa trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây, Sacombank phản hồi như sau:
Những thông tin khách hàng Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và nhận thấy có dấu hiệu vay mượn giữa bà Dương với một số cá nhân nguyên là cán bộ nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh với lãi suất cao trong nhiều năm.
Các nội dung trao đổi giữa bà Dương và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Phòng Giao dịch Cam Ranh) đã được Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.
Hồ sơ lưu trữ tại Sacombank cho thấy có đầy đủ chữ ký của khách hàng trên các giấy nhận tiền và ủy nhiệm chi (gồm 9 giấy nhận tiền và 3 ủy nhiệm chi).
"Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa", thông cáo báo chí của Sacombank khẳng định.
Trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tiếp xúc và làm việc với khách hàng nhiều lần để trao đổi, ghi nhận ý kiến nhưng hai bên chưa đi đến được thống nhất chung.
Sacombank không thoái thác trách nhiệm, nhưng mọi việc cần tuân thủ pháp luật
"Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng Giao dịch Cam Ranh nói chung nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng", thông cáo của Sacombank nhấn mạnh.
Như đã thông tin trước đó, ngay khi sự vụ xảy ra tại Phòng Giao dịch Cam Ranh vào tháng 10/2022, Sacombank đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa và chủ động chuyển sự vụ đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Đồng thời, ra quyết định sa thải các cá nhân vi phạm và bổ nhiệm nhân sự mới nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Phòng Giao dịch Cam Ranh.
Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam các cá nhân liên quan
Hiện sự vụ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 137/QĐ-CKT ngày 18/11/2022 và khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan nhằm phục vụ công tác điều tra.
Thông cáo của Sacombank khẳng định: "Trong quá trình xử lý sự vụ, Sacombank luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của khách hàng, chủ động, thiện chí, đưa ra các giải pháp hỗ trợ.
Sacombank khẳng định một lần nữa, chúng tôi đảm bảo toàn bộ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của khách hàng theo đúng quy định pháp luật và không thoái thác trách nhiệm.
Ngân hàng cũng chủ trương xử lý nghiêm khắc mọi vi phạm và không ngừng áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của Sacombank nói riêng và ngành ngân hàng nói chung".
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank tăng 44%
Sacombank cho biết, kết thúc năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6%, thu nhập lãi thuần của Sacombank đạt 17.147 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước. Trong đó, thu thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ và lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.062 tỷ, tăng 44%.
Qua đó, Sacombank giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập từ 32,4% lên 34,4%. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, đạt 120% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
Ngoài ra, Sacombank cũng tích cực xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tài sản. Lũy kế 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 87.900 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 70.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án Tái cơ cấu đạt gần 82% kế hoạch tổng thể của Đề án.
Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh theo Đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định cho toàn bộ danh mục tài sản.