Sóng 5G của Trung Quốc trên đỉnh Everest

caodung

03/05/2020 12:57

Khai thông thành công mạng 5G ở độ cao 6.500 mét của nhà mạng China Mobile và Tập đoàn công nghệ Huawei là niềm tự hào và sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc.

Đỉnh Everest, hay còn gọi là Châu Mục Lãng Mã Phong theo tiếng Trung Quốc, hàng trăm năm nay luôn thu hút con người chinh phục. Là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất, chỉ riêng việc lên được đến đỉnh đã cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, thậm chí với cả những người leo núi dày dạn kinh nghiệm nhất.

Tuy nhiên, có vẻ như mối nguy hiểm từ băng tuyết giá lạnh không thể ngăn cản nhà mạng China Mobile và Tập đoàn Công nghệ Huawei vươn dài cánh tay 5G, khi cả hai hợp tác lắp đặt các trạm 5G ở tuyến leo núi phía sườn Bắc và trên đỉnh Everest. Ngày 30.4, Huawei tuyên bố khai thông trạm phát sóng 5G ở độ cao 6.500 mét tại Forward Camp, tiếp nối thành công trước đó tại hai độ cao 5.300 và 5.800 mét. Từ đây, sóng 5G sẽ phát đến tận đỉnh núi cao 8.848 mét. Có vẻ như 5G Trung Quốc không còn giới hạn dưới mặt đất. Hiện tại, toàn bộ năm trạm 5G đều đã được đưa vào sử dụng, giúp hỗ trợ về tín hiệu mạn‌g để Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt độn‌g, như leo núi, khảo sá‌t khoa học, giá‌m sá‌t môi trường và phát video trực tiếp từ đỉnh Everest với độ phâ‌n giải 4K.

Hình ảnh trạm 5G tại độ cao 6.500 mét. Nguồn: Huawei
Hình ảnh trạm 5G tại độ cao 6.500 mét. Nguồn: Huawei

Chỉ riêng leo núi đã khó, việc lắp đặt và vận hành các trạm phát sóng này đặt ra hàng loạt khó khăn kỹ thuật. Nhà phân tích lão luyện trong ngành viễn thông, ông Xiang Ligang gọi việc triển khai 5G trên ngọn núi Everest là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao đảm bảo đường truyền ổn định? Làm sao đủ cung cấp điện cho trạm 5G trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt? Làm sao đảm bảo sợi cáp không đứt gãy ở nhiệt độ -20oC?”.

Bộ thiết bị 5G Active Antenna Unit của Huawei với đặc tính nhỏ và nhẹ đã góp phần vào thành công lắp đặt trạm. Tuy nhiên, chi phí không hề rẻ. Ước tính chi phí lắp đặt một cột phát sóng 5G có giá vào khoảng 140 nghìn USD. Để vận hành, 12 nhân viên nhà mạn‌g sẽ trực 24/7 ở độ cao trên 5.300 mét để duy trì hoạt độn‌g của các trạm 5G ở đây.

Vừa khó khăn vừa tốn kém, tại sao hai công ty quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này?

Mạng 5G dĩ nhiên sẽ hỗ trợ rất nhiều những nhà leo núi và nhà nghiên cứu, đặc biệt trong các hoạt động cứu trợ, nhưng chỉ riêng điều này có vẻ không thỏa đáng so với mức đầu tư. Thay vào đó, chiến thắng về mặt kỹ thuật này, ít nhất có một phần động lực đến từ cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Trung Quốc quyết tâm thể hiện vai trò thống trị 5G ở tầm cao nhất của thế giới. Chính phủ Trung Quốc triển khai rộng khắp mạng 5G và lấy việc liên tục cải tiến công nghệ làm mục tiêu ưu tiên của các công ty viễn thông quốc gia, khiến công nghệ không dây thế hệ mới là niềm tự hào và sức mạnh địa chính trị của đất nước.

Tuy vậy, cũng có lý do đơn giản hơn đằng sau quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” này, đó là câu trả lời của nhà leo núi George Mallory khi được hỏi tại sao ông muốn chinh phục đỉnh Everest vào năm 1924: “Bởi vì đỉnh núi sừng sững ngay đó.”

Cao Dung

caodung
Bạn đang đọc bài viết "Sóng 5G của Trung Quốc trên đỉnh Everest" tại chuyên mục Khoa học quản lý.