Số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục, tại sao?

Quỳnh Giang

18/07/2021 11:17

Tính đến sáng nay, 18/7, TPHCM ghi nhận tổng cộng 29.091 ca nhiễm. Trong mấy ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TPHCM ghi nhận số ca nhiễm tăng liên tục. Vì sao ?

benh-nhan-covid-19-1626581080.jpg

Mối quan tâm lớn nhất của TPHCM hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và giảm số ca tử vong.

Ngày 17.7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp giao ban định kỳ với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong bối cảnh số ca nhiễm tại thành phố đông dân nhất cả nước vẫn tăng từng ngày.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ 6 giờ ngày 16.7 đến 6 giờ ngày 17.7, TP phát hiện hơn 2.800 trường hợp dương tính Covid-19. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa, có 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện (BV). Hiện TP.HCM đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; trong đó có 306 ca thở máy, 8 trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Về công tác điều trị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết mối quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm số ca tử vong. 

"Hiện số ca F0 vẫn tăng nhanh gây áp lực cho hệ thống y tế, TP.HCM đã thiết lập Trung tâm hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân nặng với quy mô 1.000 giường, trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần BV Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức). Ngoài ra, còn 2 cơ sở điều trị khác tại BV Bệnh nhiệt đới (300 giường) và BV Chợ Rẫy (300 giường). Bộ Quốc phòng cũng đã chấp thuận đề xuất thiết lập thêm BV điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại BV Quân y 175 (Q.Gò Vấp)", ông Phong cho biết.

Theo số liệu thống kê, số ca nhiễm theo ngày của TP HCM được công bố tăng vọt lên mốc hơn 1.000 ca bắt đầu từ 9/7 - ngày đầu tiên TPHCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 9 ngày, tổng số ca nhiễm Bộ Y tế công bố ghi nhận 17.633 ca trong khi 9 ngày trước đó ở mức 5.477 - tức khoảng 608 ca mỗi ngày.

Hai nhóm chuyên gia dự báo dịch tại TPHCM đã đạt đỉnh và sẽ kết thúc trong tháng 8. Vậy vì sao số ca nhiễm tại TPHCM tăng liên tục những ngày qua?

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, số lượng F0 tăng nhanh những ngày qua do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng lõi của các ổ dịch.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết mục tiêu của TPHCM trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư. Vì vậy những ngày qua, TP HCM đang tập trung cho việc xét nghiệm ở khu vực trọng tâm, trọng điểm. Theo ông Nam, vùng lõi nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu trước, sau đó mở rộng ra các khu vực bên ngoài với phương thức "đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà", thay cho hình ảnh xếp hàng xét nghiệm quy mô lớn, cả ngày lẫn đêm vì mục tiêu tầm soát cho 5 triệu dân, khoảng 50% dân số thành phố trước đó.

Trước đó, ngày 16/7, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM cho biết trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TPHCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống.

"Hiện nay, TPHCM đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó,  nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ cao và công tác theo dõi F1, F0 bằng xét nghiệm real-time RT-PCR cũng đã được thực hiện nhanh hơn, với số lượng ngày càng tăng", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc thực hiện Chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn như TPHCM có rất nhiều khó khăn. TPHCM cũng phải chuẩn bị các phương án, trong đó có cả phương án kéo dài một số nội dung theo Chỉ thị 16 trên địa bàn để đảm bảo phòng chống dịch thắng lợi.

"Tuy nhiên, qua theo dõi 1 tuần vừa rồi tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị ở đây được tăng cường rất mạnh mẽ. Với việc tham gia hỗ trợ TPHCM trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TPHCM sẽ giảm dần. Khi bắt đầu giảm dần, chúng tôi cũng sẽ đề xuất Thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà phải giảm từng bước, để đưa về trạng thái bình thường mới", ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, trong giai đoạn này, không chỉ sàng lọc, truy vết, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch mà TPHCM còn phải tăng cường nguồn điều trị, khu thu dung bệnh nhân cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nếu tính đến phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì TPHCM vẫn có thể đáp ứng được, với điều kiện  có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư của Trung ương.

"Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Trong điều kiện này, không chỉ TPHCM mà Trung ương cũng cần có biện pháp cụ thể để hỗ trợ Thành phố", ông Sơn nói.

Sáng 18-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 2.454 ca mắc COVID-19 mới, 1.756 ca trong đó ở TP.HCM. Trong số 1.756 ca (BN49230-BN50986) ghi nhận tại TP.HCM: 1.694 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 62 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Quỳnh Giang
Bạn đang đọc bài viết "Số ca nhiễm tại TP HCM tăng liên tục, tại sao?" tại chuyên mục Sức khỏe.