SCFF25 – Diễn đàn học thuật quốc tế vì một thế giới số thông minh và bền vững

Thành Nam

15/05/2025 10:47

Trong kỷ nguyên mà dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông minh đang định hình lại toàn diện mọi lĩnh vực đời sống – từ quản trị đô thị đến sản xuất công nghiệp – việc kết nối tri thức đa ngành và tăng cường hợp tác quốc tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hội thảo Khoa học Quốc tế SCFF25 không chỉ là điểm hẹn của những ý tưởng đột phá mà còn là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cùng chung tay thiết lập nền tảng lý luận và thực tiễn cho mô hình thành phố – nhà máy thông minh. Tất cả hướng tới một mục tiêu chung: phát triển bền vững trong một thế giới đang vận động không ngừng bởi làn sóng chuyển đổi số.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, các khái niệm như “Thành phố thông minh” và “Nhà máy thông minh” không còn dừng lại ở tầm nhìn chiến lược mà đã và đang trở thành hiện thực tại nhiều quốc gia phát triển, là giải pháp thiết yếu cho sự phát triển bền vững của thế giới. Nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật quốc tế có chiều sâu, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và tăng cường kết nối hợp tác toàn cầu, Trường Đại học Tài chính – Marketing (UFM) phối hợp với Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc) cùng 07 trường đại học, học viện đến từ bốn quốc gia đã đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế SCFF25 với chủ đề:

"From Smart City to Smart Factory for Sustainable Future: conceptual framework, scenarios, and multidiscipline perspectives" (Từ Thành phố Thông minh đến Nhà máy Thông minh vì Tương lai Bền vững: Khung lý thuyết, Kịch bản và Góc nhìn Liên ngành).

1-1747280490.jpeg
Các trường, học viện tham gia tổ chức hội thảo.

Diễn đàn học thuật quốc tế – Cầu nối tri thức đa chiều

Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại Trụ sở 778 Nguyễn Kiệm, TP. Hồ Chí Minh với điểm cầu quốc tế tại Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava và các trường đối tác. Buổi lễ khai mạc chính thức diễn ra vào lúc 13h30 ngày 14/5/2025, với sự hiện diện của hơn 50 đại biểu gồm lãnh đạo các đơn vị, chuyên gia khoa học, giảng viên, sinh viên và đại diện các tổ chức đối tác trong và ngoài nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS. Phạm Quốc Việt – Phó Hiệu trưởng UFM nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến sự hội tụ mạnh mẽ giữa công nghệ số, hạ tầng kỹ thuật hiện đại và trí tuệ nhân tạo trong việc tái định hình phương thức quản trị đô thị, vận hành công nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội. Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ tri thức và tìm kiếm giải pháp cho một tương lai phát triển bền vững thông qua hợp tác học thuật quốc tế.”

2-1747280498.jpeg
PGS.TS. Phạm Quốc Việt phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại điểm cầu UFM, hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều lãnh đạo và giảng viên chủ chốt như PGS.TS. Huỳnh Thị Thu Sương – Trưởng phòng Quản lý khoa học & Hợp tác quốc tế, TS. Trương Thành Công – Trưởng khoa Khoa học dữ liệu, ThS. Trần Minh Tùng – Phó phòng Quản lý tài sản & Công nghệ thông tin, cùng đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Hội thảo SCFF25 được thiết kế với cấu trúc nội dung chặt chẽ, xoay quanh ba trụ cột học thuật liên ngành mang tính chiến lược trong tiến trình kiến tạo thành phố và nhà máy thông minh:

Công nghệ sản xuất và kỹ thuật thông minh: Tập trung thảo luận về các giải pháp công nghệ tiên tiến như hệ thống nhà máy tự động hóa, ứng dụng robot, bản sao số (digital twin), Internet vạn vật (IoT), và các kỹ thuật tối ưu hóa trong sản xuất.

Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo: Khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn, học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain, điện toán đám mây và bảo mật mạng để hỗ trợ quá trình ra quyết định thông minh trong đô thị và công nghiệp.

Kinh tế số và quản trị hiện đại: Tập trung vào các mô hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thương mại điện tử, logistics, trí tuệ kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong quản trị chiến lược.

Tôn vinh những nghiên cứu tiêu biểu – Ghi nhận đóng góp học thuật

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức đã vinh danh ba công trình nghiên cứu tiêu biểu, thể hiện tính sáng tạo, khả năng ứng dụng và đóng góp thực tiễn cho tiến trình chuyển đổi số:

ThS Vũ Thị Thanh Hương với nghiên cứu đánh giá hiệu quả của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) trong phân tích cảm xúc tiếng Việt – một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

3-1747280498.jpeg
Tác giả Vũ Thị Thanh Hương trình bày tham luận “An Assessment of Large Language Models for Vietnamese Sentiment Classification”.

ThS Nguyễn Thị Diễm với công trình nghiên cứu về tác động của các đặc điểm cá nhân của KOLs đến hành vi người dùng trên nền tảng TikTok – góc nhìn mới về tiếp thị số và ảnh hưởng truyền thông.

4-1747280498.jpeg
Tác giả Nguyễn Thị Diễm trình bày tham luận “How KOLs’ personal characteristics and digital content attributes influence TikTok users' decision to follow: The mediating roles of enjoyment and trust”.

ThS Tôn Thất Hòa An với đề tài ứng dụng thị giác máy tính trong phân tích thời gian kiểm soát bóng trong các trận đấu bóng đá – minh chứng cho sự giao thoa giữa AI và phân tích thể thao hiện đại.

5-1747280498.jpeg
Tác giả Tôn Thất Hoà An trình bày tham luận “Analyzing the ball control time of a soccer match video using Computer Vision”.

Các phiên thảo luận chuyên đề đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của các học giả quốc tế đến từ Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Hungary và Việt Nam. Những phiên làm việc này không chỉ là nơi trao đổi kiến thức, mà còn mở rộng các mô hình hợp tác liên ngành, định hình những kịch bản ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường, đô thị hóa và sản xuất.

6-1747280498.jpeg
Đại biểu và Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm.

SCFF25 không chỉ là một hội thảo học thuật đơn thuần, mà còn là cột mốc khẳng định vai trò tiên phong của Trường Đại học Tài chính – Marketing trong hệ sinh thái giáo dục đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Thông qua hội thảo, UFM đã thể hiện cam kết vững chắc trong việc kết nối nghiên cứu – đào tạo – doanh nghiệp – cộng đồng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số.

Thành Nam