Quỹ bình ổn nhưng lại gây “bất ổn” với giá xăng dầu
Đánh giá về hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, đây là công cụ "sáng tạo" của Việt Nam nhưng đi ngược với thế giới.
TS Phạm Thế Anh cho biết, ở các nước trên thế giới thì quỹ bình ổn được sử dụng để can thiệp vào thị trường trong những trường hợp thật sự cần thiết. Quỹ ấy hình thành dựa trên sự đóng góp, có thể là từ ngân sách nhà nước, hoặc lấy từ doanh thu bán dầu đối với các quốc gia có thể sản xuất được dầu thô hay tại một số quốc gia, quỹ đó được tính vào giá bán xăng dầu nhưng chỉ là một phần rất nhỏ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, quỹ hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá thì không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ có xu hướng trích lập khi kỳ điều hành trước giá thế giới giảm và ngược lại. Nhưng trên thực tế có thời điểm trích lập quỹ ngay cả khi giá xăng dầu tăng và chi quỹ khi giá giảm.
“Theo tính toán của tôi, có thời điểm, cơ quan điều hành ngược khi trích lập vào quỹ khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng vẫn trích lập quỹ ở mức cao khiến giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, giá xăng thế giới giảm thì lại chi quỹ. Điều này không đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá xăng dầu", TS Phạm Thế Anh nêu dẫn chứng.
TS Phạm Thế Anh cũng chỉ ra một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng.
“Việc trích quỹ của dầu ít lần hơn so với xăng nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5 chưa hợp lý. Nếu muốn khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, cơ quan chức năng cần hạ thuế, tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không phải dùng quỹ để điều tiết giá. Khuyến nghị của tôi là cần tái cấu trúc lại thị trường phân phối xăng dầu, từ nhập khẩu, phân phối đến bán lẻ…”, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Quỹ bình ổn xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào. Quỹ bình ổn chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, thể hiện qua mức độ biến động (đo bằng độ lệch chuẩn) của giá xăng dầu (từng ngày) sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây (2020-2022).
“Ở các quốc gia khác, Chính phủ không can thiệp vào giá xăng dầu mà họ dùng quỹ dự trữ bán ra – mua vào để tích trữ tồn kho để từ đó bình ổn giá chứ không can thiệp trực tiếp. Việc sử dụng Quỹ bình ổn của Việt Nam theo tôi thấy là đang gây bất ổn chứ không phải là bình ổn như tên gọi…”, TS Phạm Thế Anh đánh giá.
Theo đó, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng từ nghiên cứu của TS Phạm Thế Anh và phân tích thị trường, xét về cả lý thuyết lẫn thực tiễn, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá xăng dầu như mong muốn của Nhà nước. Theo đó, trong văn bản góp ý dự thảo Nghị định gửi Chính phủ, VCCI cũng đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu…
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Hiểu một cách đơn giản, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Tức là người dùng ứng trước tiền, hay còn gọi là trích cho quỹ, rồi tại kỳ điều hành giá lần sau, nếu giá xăng dầu tăng mạnh, nhà quản lý lại lấy tiền đó trả lại cho người mua xăng dầu, hay gọi là chi sử dụng quỹ. Như vậy có thể hiểu, giá xăng tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường, mà phụ thuộc một phần vào ý chí của nhà điều hành.
Nên để thị trường quyết định về giá
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ý kiến cho rằng, đã đến lúc để thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, không để tình trạng càng sửa Nghị định, doanh nghiệp càng bị bó cứng bởi các điều khoản khác nhau.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Nghị định 95 nhìn tổng thể có tới 12 vấn đề cần sửa đổi. Trong đó, điều quan trọng nhất liên quan đến điều hành giá khi Nhà nước là đơn vị quyết định giá bán cuối cùng.
“Nếu nói rằng không quản xăng dầu thì giá sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là một lập luận phi lý. Nếu Chính phủ lo lạm phát cần giảm thuế. Tại sao không để thị trường quyết định giá?”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Cũng theo nguyên Viện trưởng CIEM, xăng dầu nên để thị trường quyết định. Với cách quản lý hiện hành, phần lỗ nhà nước bắt doanh nghiệp chịu là vô lý. Để giải quyết tình trạng nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cần thể hiện chức năng nhà nước, bỏ trần giá xăng dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá và thậm chí tính đến bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước.
“Cần có dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn quá thì bơm ra. Cần công bằng với doanh nghiệp. Các quy định như bắt doanh nghiệp thực hiện dự trữ, mua của một đầu mối hay nhiều đầu mối cũng cần bỏ. Việc dự trữ là do nhà nước thực hiện. Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh”, TS Nguyễn Đình Cung cho biết thêm.
Trường hợp Nghị định không bỏ được các quy định mang tính rào cản, theo TS Nguyễn Đình Cung, có thể cởi trói bằng cách quay về cơ chế lập hội đồng tính giá với sự tham gia của các bên (từ bán lẻ, đầu mối đến cơ quan nhà nước) để xây dựng công thức tính giá và thuê công ty tư nhân xác định giá hàng ngày.
Trước đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án giữ nguyên Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng quỹ.
Cụ thể, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước.
Ưu điểm của phương án này là Nhà nước vẫn có công cụ điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp vào giá xăng dầu, đưa mặt hàng dần vận hành theo thị trường. Còn nhược điểm là các doanh nghiệp vẫn phải trích lập, chi quỹ bình ổn theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước, nên khả năng sẽ có sự không đồng thuận.