Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và hạ tầng

Thanh Loan

30/08/2024 15:58

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 28/8/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quảng Bình triển khai Quy hoạch tỉnh bám sát định hướng bốn trụ cột kinh tế: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn

Theo chỉ đạo, Quảng Bình hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất.

Đối với các dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư: Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, hiện đại; hạ tầng Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng cửa khẩu; hạ tầng khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, trung tâm động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả...

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư

Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Lĩnh vực du lịch, dịch vụ; lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực hạ tầng.

kcncangbienhonla-1725008049.png
Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La.

Trong đó, lĩnh vực du lịch, dịch vụ ưu tiên các dự án đầu tư khai thác dịch vụ du lịch; các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; đô thị du lịch Phong Nha và vùng phụ cận (theo quy định của pháp luật về bảo tồn di sản và quy định có liên quan); các khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao cao cấp; bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp sân golf khu vực ven biển; các khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp; hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh; các trung tâm Logistics và thương mại dịch vụ tại Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo.

Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo quy hoạch; công nghiệp điện; công nghiệp chế biến, chế tạo (chú trọng chế biến sâu nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh…) và các ngành công nghiệp hỗ trợ... gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt cách mạng công nghệ lần thứ 4. Lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng chuyên canh theo hướng công nghệ cao; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao gắn với nhà máy chế biến tập trung; đầu tư nuôi trồng thủy hải sản trên biển; các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng…

Chủ động trong xúc tiến đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh Quảng Bình cũng như tiềm năng, chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư và tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở nước ngoài.

7c2b65cc58ccff92a6dd-1725007974.jpg
Trong những năm qua, Quảng Bình đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư hạ tầng một cách mạnh mẽ.

Trong đó, tỉnh tập trung đến các thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu để kêu gọi các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến nông, lâm, thủy sản, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế tạo... Đồng thời đẩy mạnh đổi mới công tác vận động, thu hút nguồn vốn ODA nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Quảng bá, giới thiệu tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đến các quốc gia, khu vực trên thế giới. Mặt khác, giới thiệu cho tỉnh Quảng Bình các đối tác phù hợp để mở rộng quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, như: Du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông; tạo điều kiện đưa lao động Quảng Bình đi làm việc, học sinh, sinh viên được thực tập tại các địa phương ở nước ngoài.

Đến nay, 4/10 KCN đã được thành lập, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Quán Hàu; 01/10 KCN (KCN Cam Liên) đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Hạ tầng kỹ thuật của các KCN được đầu tư cơ bản hoàn thiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thu hút 115 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 61%. Các KCN hình thành đã thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm, tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng mới theo hướng hiện đại. Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt dịch vụ hành chính công, khắc phục những vướng mắc dù là nhỏ nhất có thể ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Tỉnh Quảng Bình cũng đã phê duyệt chủ trương cho 18 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn hơn 770 tỷ đồng. Các dự án này yêu cầu Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trong đó 4 dự án thuộc khu công nghiệp và khu kinh tế có tổng vốn hơn 573 tỷ đồng, cùng 14 dự án khác ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn hơn 199 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng phê duyệt 12 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã làm thủ tục xuất nhập khẩu đối với 14,9 nghìn tờ khai (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023), khối lượng hàng hóa 2,27 triệu tấn (tăng 33%), trị giá hàng hóa 862,6 triệu USD; 112,3 nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh (tăng 58%). Thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 526,2 tỷ đồng, tăng 459% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 75% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh giao (700 tỷ đồng).

 

Thanh Loan