Quảng Bình: Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn

Thảo Nguyên

02/08/2024 14:23

Quảng Bình xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đây là một trong 4 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm tạo đột phá để tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đang ngày được chú trọng. Các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn như homestay, farmstay, cắm trại, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch trãi nghiệm, du lịch khám phá; mô hình làng du lịch cộng đồng với những trãi nghiệm từ công việc làm nông, thưởng thức món ăn địa phương mang đậm bản sắc văn hóa bản địa, quầy hàng lưu niệm, điểm check-in và các dịch vụ đa dạng khác… đã thu hút nhiều du khách đến với Quảng Bình trong thời gian vừa qua.

Để đẩy mạnh việc kết nối các sản phẩm OCOP Quảng Bình gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong những năm qua Sở Công thương đã tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm hỗ trợ các cửa hàng tiện ích bán hàng Việt, điểm bán hàng nông sản, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch, địa bàn trung tâm du lịch của tỉnh, địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế.

Cùng với phát triển các hoạt động về du lịch, dịch vụ Quảng Bình đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh sản phẩm OCOP đang ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; bao bì, kiểu dáng, mẫu mã phong phú đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành nên các nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền.

images776848-dlnt-anh-3-1722928831.png
Toàn cảnh Tân Hóa-Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2023. Ảnh: Oxalis

Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định, có thể nhận thấy những vùng sản phẩm OCOP của Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ các điều kiện thuận lợi để gắn với các hoạt động du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như sau: Hình thành các shop tự chọn, quầy bán các sản phẩm OCOP của Quảng Bình gắn với khu di tích... Hình thành “con đường du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đến với di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng” kết hợp tham quan các mô hình chế biến dược liệu, nấm sạch, vườn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh… mua sắm hàng lưu niệm OCOP Quảng Bình trên dọc hai bên tuyến đường tỉnh lộ; Xây dựng các video, clip về các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản của Quảng Bình gắn với mạng lưới các khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn thành phố Đồng Hới thực hiện việc quảng bá, giới thiệu, thông tin về sản phẩm và trao đổi mua bán online, thanh toán trực tuyến;

Hình thành các shop tự chọn, tham quan mô hình trình diễn sản xuất làng nghề ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng thưởng thức văn hóa bản địa hò khoan Lệ Thủy…;

Chia sẻ về hướng phát triển bền vững giữa phát triển du lịch và phát triển nông thôn mới, ông Nam cho biết thêm, Sở Du lịch Quảng Bình chủ trì và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề (có mời chuyên gia tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng) để trao đổi, thảo luận xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của từng địa phương.

Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đủ quy mô diện tích, đăng ký mã vùng trồng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để phục vụ cho việc sản xuất, chế biến các mặt hàng OCOP tại địa phương.

Bên cạnh đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công Nghệ, Sở Công thương, Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý của các sản phẩm OCOP; xây dựng bao bì, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… và các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, giới thiệu, kết nối giao thương, tham gia giao dịch trao đổi mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, thanh toán onlie cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình.

Việc Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, gia tăng giá trị các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho các mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của cộng đồng, đem đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

109639b85decf8b2a1fd-1722928897.jpg
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tích cực giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các hoạt động du lịch, để các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình ngày càng vươn xa, nâng tầm giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng, hình thành những thương hiệu mạnh có uy tín trên thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Văn Phòng điều phối mục tiêu quốc gia - Quảng Bình cho biết, phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả; thông qua đó góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản...

Thảo Nguyên