Quảng Bình: Cần làm gì để chương trình OCOP tiếp tục phát triển?

Thảo Nguyên

04/06/2024 17:12

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã nổ lực trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đó, đưa các sản phẩm OCOP của Quảng Bình cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường và được sự đón nhận của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP của Quảng Bình tiếp tục đi sâu và xa hơn đến với người dân, vẫn còn nhiều việc phải làm.

OCOP là một chương trình lớn của ngành Nông nghiệp và được triển khai sâu rộng đến từng thôn xã. Thời gian qua, các địa phương đã quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chương trình này. Chương trình đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sản vật hiện có, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Qua đó, giải quyết các vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập… 

Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể kinh tế đang dần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thông qua các hoạt động cụ thể như xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mẫu mã, chất lượng, quy trình sản xuất. Thu nhập nông thôn bình quân đầu người tăng từ 35 triệu đồng/người/năm tăng lên 43,56 triệu đồng/người/năm trong năm 2023. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 11,65%, đến hết năm 2023 giảm còn 9,51%, bảo vệ môi trường, hình thành các tổ chức liên kết cộng đồng theo hướng bền vững.

z5437505594786-9f7c6f24206a93397c36be298b4a2394-1717495683.jpg
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã đa dạng nhiều sản phẩm OCOP và được người tiêu dùng đón nhận.

Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho hay, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, người dân và cán bộ quản lý nhà nước về nội dung, ý nghĩa của chương trình OCOP trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Thứ hai: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến; Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Thứ ba: Ưu tiên huy động nguồn lực về vốn, đất đai, lao động, nguyên vật liệu, máy móc, công nghệ của chủ thể OCOP; Lồng ghép hiệu quả các chương trình/đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chương trình, dự án khoa học công nghệ và các cơ chế, chính sách khác có liên quan.

Thứ tư: Tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các sản phẩm OCOP được công nhận, tập trung vào các nội dung như chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển vùng nguyên liệu; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP.

z5496615800841-74612f7614aa08491b2872b1a1e1756f-1717495766.jpg
Tỉnh Quảng Bình cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, giới sản phẩm OCOP đến với người dân.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, đến xã bảo đảm đồng bộ, hiện đại và bài bản; tiếp tục kết nối, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, góp phần tạo ra một kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung, giúp cho bà con nông dân ổn định giá bán sản phẩm; xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường…

Được biết, đến nay, Quảng Bình có 168 sản phẩm OCOP được công nhận còn thời hạn (gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao) với 107 chủ thể kinh tế (gồm 58 hợp tác xã, 21 doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể), như vậy số sản phẩm OCOP 4 sao đạt và vượt mục tiêu so với Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 23/3/2023 của UBND tỉnh đề ra (mục tiêu đến năm 2025 có 20-25 sản phẩm OCOP 4 sao). Tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đứng thứ 4/6 tỉnh Bắc Trung Bộ, với một số sản phẩm nổi bật như: Khoai gieo, nước mắm, hải sản khô, các sản phẩm từ dược liệu, sản phẩm nông sản như Yến, Cam, Tiêu, bột nghệ, mật ong…. Đây là những kết quả rất tích cực, thể hiện sự sáng tạo và năng động của các địa phương để tạo ra những dòng sản phẩm OCOP, là niềm tự hào của người sản xuất trong toàn tỉnh.

Thảo Nguyên