Quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tại TPHCM còn nhiều băn khoăn

Minh Tuấn

08/03/2022 14:12

Việc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý các cơ sở khám chữa bệnh được nhân dân hết sức ủng hộ. Tuy nhiên bên cạnh đó còn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, hoàn thiện để công cụ quản lý này phát huy hiệu quả cao nhất.

Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý

Theo số liệu thống kê, TP Hồ Chí Minh có khoảng 131 bệnh viện, hơn 200 phòng khám đa khoa, hơn 6.000 phòng khám chuyên khoa và gần 7.000 nhà thuốc tư nhân. Những con số này cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan quản lý Y tế còn rất nhiều khó khăn và thách thức.

Trong nhiều năm qua, Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ hiệu quả của các đơn vị liên quan và nhất là lực lượng Công an trong công tác phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ giảm tác dụng nếu như cơ quan quản lý (Sở Y tế) chậm nắm bắt được các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh của các cá nhân và cơ sở.

Thực tế đã chứng minh Thanh tra Sở đã gặp không ít khó khăn để tìm ra các chứng cứ vi phạm pháp luật khi đến cơ sở để kiểm tra (vì các cơ sở đã chủ động có hành vi đối phó).

so-y-te-01-copy-1646720580.jpg
Ứng dụng "Y tế Trực tuyến" của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)

Từ những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, ứng dụng “Y tế trực tuyến” của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ra đời là một công cụ ứng dụng công nghệ thông tin đơn giản trên điện thoại thông minh giúp phát huy sự tham gia chủ động của người dân trong phản ánh thông tin trực tiếp đến cơ quan quản lý các cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Với công cụ này, Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận hàng trăm thông tin phản ánh. Với hoạt động 24/7 và quy trình phản ứng nhanh trong thời gian qua được kích hoạt kịp thời đã góp phần không nhỏ trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Đôi điều còn trăn trở

Nhìn lại việc triển khai Ứng dụng “Y tế trực tuyến” thời gian qua đã chỉ ra tính hiệu quả của “Quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế” của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Quy trình mới này do chính các cán bộ, công chức thuộc phòng, ban chức năng của Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện đã tạo ra một công cụ đơn giản để người dân dễ dàng phản ánh thông tin trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế.

Tuy vậy, thời gian qua Tạp chí điện tử Nhà Quản Lý cũng tiếp nhận nhiều ý kiến băn khoăn trong dư luận liên quan đến các vụ việc được phản ánh qua ứng dụng “Y Tế Trực tuyến”. Cụ thể, người dân trăn trở vì cho rằng các phản ánh chỉ được cơ quan quản lý phản hồi một cách chung chung thông qua Ứng dụng này.

thao-02-1646720606.jpg
Địa chỉ Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center vừa bị người dân tố cáo thông qua ứng dụng Y tế Trực tuyến.

Lấy ví dụ, vừa qua người dân đã tố cáo Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center (190 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1) hoạt động phẫu thuật không phép với cơ quan chức năng thông qua Ứng dụng của Sở Y tế. Phản hồi vấn đề này Ứng dụng chỉ cho biết: Ngày 9/12/2021, Phòng Y tế Quận 1 đã phối hợp với Công an Quận 1 và UBND phường Đa Kao kiểm trả đột xuất tại địa chỉ 190 Nguyễn Văn Thủ và tiến hành lập biên bản, xử lý theo quy định.

Thế nhưng, đối với phản ánh liên quan đến Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center dư luận còn đặc biệt quan tâm nhiều vấn đề liên quan khác như: Trước khi đi vào hoạt động cơ sở này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chưa? Nội dung cụ thể ghi trong giấy phép là gì?; Thẩm mỹ viện này có được phép phẫu thuật trên cơ thể người như các thông tin trên các ứng dụng công nghệ số (Facebook, Website) quảng cáo không? Nếu có thì bác sĩ nào thực hiên? Bác sĩ có đủ trình độ chuyện môn theo quy định khi thực hiện phẫu thuật không?

Ngoài ra, việc tiêm filler (chất làm đầy) tại Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chưa? Các loại chất này có nguồn gốc ra sao, có đảm bảo an toàn theo quy định của ngành chức năng?;…

Và đặc biệt, kết quả cuộc làm việc của cơ quan quản lý với Thẩm mỹ viện này như thế nào thì đến nay vẫn chưa được Ứng dụng cung cấp thêm, từ đó gây ra sự hoang mang lo lắng trong dư luận xã hội nói chung, những người đang có nhu cầu làm dịch vụ tại Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center nói riêng.

so-y-te-02-1646720921.jpg
Phản hồi liên quan đến Thẩm mỹ viện Thảo Beauty Center ở Ứng dụng Y tế Trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Có ý kiến cho rằng, nếu cơ sở bị phản ánh không có vi phạm thì Ứng dụng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đăng thông tin làm rõ để bảo vệ uy tín của đơn vị “được” phản ánh. Vì Ứng dụng quản lý này là công khai, nếu phản ánh sai mà không được cơ quan quản lý phản hồi lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị liên quan.

Mặt khác, nếu cơ sở có tồn tại hành vi vi phạm như người dân phản ánh thì Sở Y tế cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời công bố rõ hành vi vi phạm mức độ như thế nào, hình thức xử phạt, phạt bổ sung hay tước giấy phép hoạt động không?... Có như vậy người dân mới nắm rõ để cẩn trọng hơn khi lựa chọn sử dụng dịch vụ tại cơ sở này.

Người dân cho rằng nếu làm được các bước như thế thì Ứng dụng quản lý này không chỉ phát huy hiệu quả quản lý mà còn là công cụ tuyên truyền hữu hiệu để người dân nắm bắt thông tin cơ sở y tế vi phạm.

Đối với phản ánh của người dân về Thẩm mỹ viện Thảo Beaty Center, theo ghi nhận đến nay các thông tin mà dư luận quan tâm nêu trên vẫn chưa có sự phản hồi từ Ứng dụng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước (Sở Y tế) cần thông tin công khai kết quả làm việc, thông tin xử lý vi phạm (nếu có) của cơ sở này. Như vậy mới có thể định hướng dư luận và minh bạch hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Minh Tuấn