Đại tá Tào Đức Thắng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Việt Nam (Viettel) thay Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nghỉ hưu theo chế độ.
Đại tá Tào Đức Thắng sinh ngày 15/7/1973, quê Thanh Hóa, trình độ Thạc sỹ Điện tử Viễn thông. Ông Thắng giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel từ tháng 8/2015 đến nay.
Ông đi lên từ chuyên viên Phòng Quản lý Kỹ thuật - Công ty Điện thoại Hà Nội, chuyên viên Phòng Quản lý Viễn thông, Bưu điện Hà Nội.
Sau đó, Đại tá Tào Đức Thắng trải qua nhiều vị trí: Phó Giám đốc - Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Giám đốc - Tổng Công ty mạng lưới Viettel, Tổng giám đốc - Tổng Công ty mạng lưới Viettel, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel, thành viên HĐQT – Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Thiết kế, Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình cho đến nay.
Viettel hiện là doanh nghiệp giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam (Vietnam 50) năm 2021 với định giá 6,061 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Viettel giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng này của Brand Finance với giá trị thương hiệu tăng thêm 260 triệu USD so với năm trước đó.
Tại bảng xếp hạng 2021 (brandirectory.com/rankings/vietnam), thương hiệu của Viettel có giá trị gấp 2,2 lần thương hiệu đứng thứ 2 và tương đương tổng giá trị của 3 thương hiệu ở vị trí được xếp liền sau.
Bảng xếp hạng của Brand Finance cũng cho thấy, trị giá thương hiệu Viettel (6,061 tỷ USD) chiếm khoảng 33% tổng giá trị 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam (18,18 tỷ USD).
Trước đó, vào đầu năm 2021, Viettel cũng đã lọt vào danh sách Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới của Brand Finance. Theo đó Viettel nằm ở vị trí 325, tăng 32 bậc so với năm 2020 và là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này.
Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2020 mà Tổng Cục thuế vừa công bố, Viettel tiếp tục giữ ngôi đầu bảng như 4 năm liền trước đó. Cụ thể, năm 2020, Viettel đóng góp vào ngân sách hơn 37.000 tỷ đồng.
Viettel cũng là nhà khai thác viễn thông duy nhất và là tập đoàn, tổng công ty nhà nước duy nhất góp mặt trong tốp 10 danh sách V 1000. Giai đoạn 2016-2021, Viettel đã đóng góp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Để duy trì mức độ tăng trưởng, Viettel đã chuyển dịch chiến lược từ năm 2018, tập trung đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số và chuyển dịch thành công thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel hình thành 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số, gồm: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các sản phẩm số nền tảng, đặc biệt là triển khai chính phủ số, trung tâm điều hành đô thị thông minh, y tế số, giáo dục số, giao thông số...
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Viettel sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Về đổi mới sáng tạo, đến nay, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ.
Năm 2020, tổng doanh thu của Viettel tại Việt Nam và 11 thị trường quốc tế đạt 264.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% kế hoạch năm. Trong số này, 10 thị trường quốc tế của Viettel tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận, đảm bảo dòng tiền chuyển về nước xấp xỉ 333 triệu USD.
Riêng về viễn thông trong nước, Viettel cho biết doanh nghiệp hiện vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 54,2% thị phần, trong đó thị phần thuê bao data đạt 57%.