Viettel đã đóng góp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong 5 năm

Minh Quân

15/12/2021 13:34

5 năm liên tiếp, Viettel là doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam. Giai đoạn 2016-2021, Viettel đã đóng góp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

viettel-dong-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-lon-nhat-viet-nam-1638802392.jpg

Viettel 5 năm liên tiếp đóng thuế lớn nhất Việt Nam.

Trong ảnh: Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (V1000) năm 2020.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng V1000 năm 2020 là 145.934 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng thu ngân sách Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, bằng 103,74% so với số đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V1000 năm 2019.

Trong danh sách trên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục giữ ngôi đầu bảng như 4 năm liền trước đó.  Cụ thể, năm 2020, Viettel đóng góp vào ngân sách hơn 37.000 tỷ đồng.

Viettel cũng là nhà khai thác viễn thông duy nhất và là tập đoàn, tổng công ty nhà nước duy nhất góp mặt trong tốp 10 danh sách V 1000. Giai đoạn 2016-2021, Viettel đã đóng góp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Để duy trì mức độ tăng trưởng, Viettel đã chuyển dịch chiến lược từ năm 2018, tập trung đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số và chuyển dịch thành công thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel hình thành 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số, gồm: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.

Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong cung cấp các sản phẩm số nền tảng, đặc biệt là triển khai  chính phủ số, trung tâm điều hành đô thị thông minh, y tế số, giáo dục số, giao thông số...

Trong lĩnh vực nghiên cứu, Viettel sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị 5G trên mạng lưới, đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Về đổi mới sáng tạo, đến nay, Viettel đã có 44 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam và 7 bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ.

Đứng vị trí thứ hai trong V1000 là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Các vị trí tiếp theo trong top 5 gồm Công ty Honda Việt Nam, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Tổng cục Thuế xây dựng danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất. Qua 5 năm thực hiện công khai V1000 (2016-2020), có 423 doanh nghiệp 5 năm liên tiếp thuộc danh sách V1000 các năm 2020, 2019, 2018, 2017 và 2016.

Trong số đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 180 doanh nghiệp với số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 32,91% tổng số nộp thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của 423 doanh nghiệp.

Tiếp đến là lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm nộp thuế chiếm 30,6%; thông tin và truyền thông nộp thuế chiếm 10,71%; kinh doanh bất động sản nộp thuế chiếm 6,6%; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác nộp thuế chiếm 5,68%; các ngành nghề khác là 101 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 13,5%.

Nếu tính theo địa bàn, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tương ứng là 109 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 43,26% và 134 doanh nghiệp với số nộp thuế chiếm 29,81%.

Tiếp đến là các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bình Dương, các tỉnh, thành phố khác 103 doanh nghiệp. Trong 423 doanh nghiệp 5 năm liên tiếp thuộc danh sách V1000, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ cao nhất với 267 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 60,2%.

Tiếp đó là khối doanh nghiệp Nhà nước với 71 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 25,64%; khối đầu tư nước ngoài 77 doanh nghiệp, nộp thuế chiếm 13,32% và 8 doanh nghiệp thuộc các loại hình khác.

Danh sách V1000 năm 2020 cũng được bổ sung 300 doanh nghiệp. Đa phần là các doanh nghiệp có số nộp ngân sách phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, hoặc phải nộp theo quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền, có doanh nghiệp đã hết thời gian hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế, thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trở lại.

Bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân khác như doanh nghiệp thực hiện số thuế tạm nộp trong năm 2020 lớn; doanh nghiệp hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình, hoặc các trường hợp hoạt động trong ngành nghề có doanh thu, thu nhập đột biến

Minh Quân