Việc OCB tiếp tục nằm trong Top 30 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2022 thể hiện rõ nét nguyên tắc kinh doanh của ngân hàng này trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các quy định về thuế. Đây cũng chính là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của ngân hàng với mục tiêu tăng trưởng ổn định, bền vững và minh bạch.
Năm 2022, thị trường tài chính trong nước và thế giới đứng trước nhiều biến số khó lường, như chiến tranh, áp lực tỷ giá, mặt bằng lãi suất tăng cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Dù gặp nhiều thách thức, nhưng điểm tích cực trong bức tranh kinh doanh của OCB là các hoạt động cốt lõi vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng diễn ra mạnh mẽ, hàng loạt các sản phẩm mới đã ghi dấu ấn tượng trên thị trường, như: Nền tảng vay mua nhà trực tuyến Unlock dream home, tài khoản số ngắn-số đẹp, giải pháp thanh toán số dành cho doanh nghiệp-OCB proPay, thẻ tín dụng trả góp 0 đồng-Installment card… Chính sự đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động số hóa đã giúp OCB tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động bán lẻ.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, OCB đặt mục tiêu tăng 25% tổng tài sản, đạt mốc 242.152 tỷ đồng, tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ, dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ, tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% và tiến đến mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng mạnh 37% so với năm 2022.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt 127.573 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2022, lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu thuần đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi, lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng.