Nhộn nhịp đường bay quốc tế mới

minhtam

Thị trường hàng không trong nước bão hòa cùng với sự quá tải hạ tầng, các hãng hàng không tìm hướng mới với việc mở các đường bay quốc tế.




Tham gia thị trường bằng các đường bay nội địa giá rẻ, đến năm 2016, số lượng đường bay trong nước của Vietjet gần như đi ngang. Vietjet chuyển hướng tới các đường bay quốc tế sau khi khai thác gần hết các đường bay nội địa.

Trong hai năm 2017 và 2018, hãng này chỉ mở thêm hai đường bay nội địa nhưng có tới 43 đường bay quốc tế. Năm nay, hãng tiếp tục xác định mở mới hơn 20 đường bay quốc tế mới. Mục tiêu của Vietjet không còn là cạnh tranh nội địa nữa mà cạnh tranh với các hãng trên thế giới.

Thực tế, nhịp tăng trưởng lượng khách nội địa đang giảm dần. Thay vì hơn 20% trong giai đoạn trước năm 2016, đến nay, tăng trưởng khách nội địa khoảng trên 10%. Một nhân sự cấp cao trong ngành hàng không dự báo tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ còn một con số trong vài năm tới.

Theo báo cáo năm 2019 của OAG, đường bay Hà Nội - TP.HCM hiện đứng thứ 6 trong số các đường bay bận rộn nhất thế giới, với tần suất  gần 40.000 chuyến mỗi năm. Dư địa tăng trưởng thị trường nội địa không còn nhiều.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không nước ngoài cũng tích cực hơn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Hết năm 2018, 68 hãng từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khai thác đường bay quốc tế tới Việt Nam. Các hãng này nắm tới 57% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và gần 87% thị vần hàng hóa. Thế cạnh tranh thúc đẩy các hãng hàng không trong nước mở rộng thị trường khai thác.

Theo chia sẻ của đại diện một hãng hàng không, quyết định mở đường bay quốc tế của các hãng phụ thuộc vào lưu lượng hành khách và cơ cấu các nhóm khách sao cho đủ để tạo ra lợi nhuận.

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Nhộn nhịp đường bay quốc tế mới" tại chuyên mục Khoa học quản lý.