Nhờ một cái tem, nông sản Việt ở tầm vóc khác

Trí Đảm

13/06/2021 17:11

Hãy tưởng tượng hình ảnh sau khi xem xong trận chung kết Roland Garros 2021 giữa Novak Djokovic vs Stefanos Tsitsipas, bạn ra siêu thị mua một ít trái cây về ăn để chờ xem những trận đấu hấp dẫn tại vòng chung kết EURO 2020, bạn thấy, tại kệ hàng trái cây xuất hiện một loại trái cây hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện ở đây, đó là vải thiều Việt Nam. Bạn, một người Việt xa quê lâu ngày, có bỏ qua không?

Ngày 12/6, lần đầu tiên một tấn vải thiều Thanh Hà, Hải Dương xuấ khẩu chính ngạch đã hạ cánh xuống sân bây quốc tế Charles de Gaulle, Pháp để giới thiệu cho người tiêu dùng Pháp - một trong những nước thích ăn loại trái cây này.

thanh-ha-1623578306.jpeg
Nhờ có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vải thiều Thanh Hà được bay xa. Ảnh: AFT

Lần trước, Việt Nam cũng đã xuất khẩu vải thiều sang Pháp nhưng theo cách của nhiều nông sản, đó là thiếu tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Còn lần này, nhờ gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vải thiều Việt Nam đã đến Pháp theo một cách khác - bằng máy bay và hình ảnh này ít nhiều giúp nâng cao hơn cho vị thế nông sản Việt Nam nói chung.

Đây là kết quả hợp tác giữa Thương vụ Việt Nam tại Pháp và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương sau khi thực hiện các phiên giao thương trực tuyến bên lề Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, kết nối vải thiều Thanh Hà cho tỉnh Hải Dương.

Và lô hàng vải thiều xuất sang Pháp cho chúng ta thấy hai điều, thứ nhất, đây một ví dụ sinh động cho nhiều người thấy những lợi ích mà Việt Nam thu được từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thứ hai, đó là nỗ lực của những cơ quan chức năng như Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Cục xúc tiến Thương mại trong việc làm cầu nối để vải thiều Việt Nam được xuất sang châu Âu, dù mới chỉ có 1 tấn nhưng đó là một dấu hiệu của “chim én báo hiệu mùa xuân về”.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, mỗi năm EU nhập khẩu khoảng 20.000-25.000 tấn vải. Quốc gia đang cung cấp vải cho EU là Madagascar với 15.500 tấn và phần lớn dành cho thị trường Pháp. Nước thích ăn trái vải nhiều nhất tính đến nay là Hà Lan, tiếp theo là Pháp. Như vậy, với việc được dán tem và "ngồi máy bay", người tiêu dùng tại Pháp nói riêng, châu Âu nói chung là bên được hưởng lợi nhất vì có thêm lựa chọn khác, đó là mua vải thiều Việt Nam thay vì chỉ có được mua vải nhập từ Madagascar như lâu nay.

Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ có khoảng 10 tấn vải sẽ xuất khẩu sang châu Âu để thăm dò thị trường. Dĩ nhiên, những lô hàng này đều được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối.

Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.

Do đó, để tận dụng được những lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), ngành nông nghiệp Việt Nam phải bắt đầu tiếp cận với hình thức sản xuất mới, trong đó, cần xem yếu tố khoa học công nghệ là mấu chốt nếu muốn nông sản Việt Nam vượt qua khỏi biên giới xâm nhập thị trường châu Âu hay Mỹ trong tương lai.

Trí Đảm