Từ nhận thức xu hướng ô tô điện hoá là xu thế tất yếu, Vinfast cũng không ngoại lệ khi bắt đầu tham gia vào "đường đua" này. Mới đây, tại sự kiện VinFast Global EV Day, trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022, VinFast công bố chiến lược phát triển mới và dải sản phẩm xe điện hoàn thiện, phủ đủ 5 phân khúc.
Theo đó, VinFast đã tiến thêm bước mới với việc dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022, tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang thuần điện, khẳng định dấu ấn tiên phong, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.
Nhu cầu về xe điện đang tăng cao, quy mô thị trường xe điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên con số 34.756 nghìn chiếc vào năm 2030.
Theo một thống kê, ở châu Âu cứ 12 chiếc xe được bán trên khắp lục địa thì có 1 chiếc chạy bằng pin. Nếu tính các mô hình hybrid sử dụng cả động cơ và pin, thì con số này sẽ tăng lên 1/3. Doanh số bán ô tô điện ở châu Âu đã tăng từ 198.000 chiếc trong năm 2018 lên 1,17 triệu chiếc trong năm nay.
Ra mắt phiên bản xe điện đầu tiên vào năm 2008, hiện Tesla thống thị thị trường xe điện toàn cầu. Tuy nhiên ngoài Telsa, các nhà sản xuất ô tô truyền thống có tên tuổi hay thậm chí là các start-up cũng bắt đầu tham gia vào thị trường đầy sức hút và tiềm năng này.
Polestar
Polestar được biết đến là thương hiệu xe điện chia sẻ cùng công nghệ kỹ thuật với Volvo Cars, cả hai đều thuộc sở hữu của công ty ô tô Geely, Trung Quốc. Người sáng lập công ty ô tô Geely là Lý Thư Phúc, vào năm 2010, Geely đã trả cho Ford 1,8 tỷ USD để có được Volvo. Vào thời điểm đó, thương vụ này đây được ghi nhận là thương vụ mua lại lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc.
Mẫu xe đầu tiên của Polestar là một chiếc xe điện hybrid (xe lai) thể thao 2 cửa. Đến năm 2020, hãng này tiếp tục cho ra mắt mẫu xe thuần điện (BEV) Polestar 2. Đến tháng 12/2021 hãng xe này đã “nhá hàng” những hình ảnh của Polestar 3, đây là chiếc SUV đầu tiên của công ty và dự kiến ra mắt trong năm 2022. Về mục tiêu trong tương lai, Polestar sẽ mở rộng dòng sản phẩm bao gồm Polestar 3, Polestar 4 và Polestar 5.
NIO
Được ví như “Tesla của Trung Quốc", Nio là công ty chuyên thiết kế và sản xuất các loại xe ô tô điện, nghiên cứu về xe tự lái và trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong các loại xe. NIO ra đời vào tháng 11/2014 bởi William Li và nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó phải kể đến Tencent, Baidu, quỹ đầu tư Temasek...
Chiếc xe điện đầu tiên của Nio là EP9 được giới thiệu vào năm 2016 với mức giá khoảng 2 triệu USD. Đây là một chiếc xe thuộc phân khúc siêu sang, chủ yếu dùng để làm thương hiệu và nghiên cứu, phát triển chứ không phải một sản phẩm bán đại trà.
Các sản phẩm hiện tại của Nio gồm: mẫu siêu xe chạy điện EP9, mẫu crossover coupe EC6, mẫu crossover cỡ trung ES6, mẫu crossover cỡ lớn ES8, mẫu sedan cỡ lớn ET7 và mới nhất là mẫu sedan cỡ vừa hạng sang ET5. NIO cho biết mẫu ET5 này sẽ bắt đầu bán ở thị trường Trung Quốc vào khoảng tháng 9 năm nay.
Rivian
Rivian có trụ sở tại Irvine, California được thành lập vào năm 2009 bởi kỹ sư RJ Scaringe. Ban đầu, Rivian đặt mục tiêu sản xuất xe thể thao, nhưng chuyển hướng sang xe bán tải và SUV chạy điện. Hiện Rivian đã giới thiệu hai mẫu xe đến với người tiêu dùng là R1T – xe bán tải chạy điện và R1S - SUV hạng trung. Tính đến 31/10/2021, công ty này đã có khoảng 55.400 đơn đặt hàng trước R1T và R1S tại Mỹ và Canada.
Đặc biệt, Rivian đã ký với Amazon một hợp đồng để sản xuất 100.000 xe tải điện, dự kiến sẽ được giao vào năm 2025.
Rimac
Là một cái tên mới nổi trong lĩnh vực xe ô tô điện, Rimac (hãng xe Croatia) được thành lập vào năm 2009 nhưng giờ đây đã nổi danh nhờ hàng loạt phát kiến về pin, mô tơ điện và các hệ thống kiểm soát thông minh.
Mẫu đầu tiên của Rimac là Concept One được hãng trang bị riêng từng mô tơ điện cho mỗi bánh xe và sản xuất giới hạn chỉ 88 chiếc.
Đặc biệt, vào tháng 6/2021, chiếc siêu xe điện Rimac Nevera đã chính thức ra mắt công chúng với giá khởi điểm từ 2,4 triệu USD. Hãng cũng cho biết, mẫu này sẽ được sản xuất với số lượng 150 chiếc và được chế tạo hoàn toàn thủ công. Rimac Nevera hiện là siêu xe tăng tốc nhanh nhất thế giới khi chỉ mất 1,85 giây để đạt tốc độ 100 km/h.
Aspark
Là một thương hiệu đến từ Nhật Bản, Aspark bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng khi cho ra mắt mẫu xe Owl, một chiếc hypercar thuần điện. Chiếc xe này là sản phẩm của sự hợp tác giữa Aspark và Manifattura Automobili Torino của Ý. Hãng cho biết chỉ có khoảng 50 chiếc Owls được sản xuất và mức giá khởi điểm là 3,2 triệu USD.
Về thiết kế, Aspark Owl mang một thiết kế độc đáo dựa trên sự thanh lịch. Chất liệu chính là nhựa gia cố sợi carbon, trần xe được làm từ khung thép không gỉ. Chiếc này có phạm vi hoạt động 450 km cho mỗi lần sạc và tốc độ tối đa đạt được là 400 km/h.