Cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết, Quảng Bình tập các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, định hướng đến năm 2025. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư (các nhà máy xi măng, bia, may xuất khẩu, gạch không nung, chế biến gỗ, gỗ ván ép, kính cường lực, nhà máy điện mặt trời Dohwa, hạ tầng cụm công nghiệp Thuận Đức, thủ tục thành lập Cụm công nghiệp Quảng Long...).
Theo đó, sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 7 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành chủ lực có chỉ số tăng như: Gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản đạt 8.511 m3, tăng 127,3%; thủy điện đạt 26,7 triệu KWh, tăng 84,7%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 15.299 tấn, tăng 14,3%; điện thương phẩm đạt 705 triệu KWh, điện mặt trời đạt 69,4 triệu KWh, tăng 10%; nước máy thương phẩm đạt 8.762 nghìn m3, tăng 7,0%; sản phẩm in đạt 1.772 triệu trang, tăng 2,6%; clinker đạt 1.481.155 tấn, tăng 0,7%....
Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm như sản phẩm công nghiệp sản xuất, giảm so với cùng kỳ: Gạch xây dựng bằng đất nung đạt 164.922 nghìn viên, giảm 21,8%; thuốc chứa penixilin, kháng sinh dạng viên đạt 148 triệu viên, giảm 20,9%; quặng titan đạt 25.428 tấn, giảm 10,4%; điện sản xuất các loại đạt 354,3 triệu kWh, giảm 10,2% (trong đó điện gió đạt 258,2 triệu KWh, giảm 18,6%) ...
Theo Sở Công thương Quảng Bình, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong tháng 7/2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất và phân phối điện... duy trì sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng điện gió tăng mạnh; một số năng lực mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian qua như Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty Cổ phần Xenlulo Quảng Bình; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh; Nhà máy bê tông Nghi Sơn Quảng Bình… góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.
Xúc tiến thương mại đạt kết quả đáng ghi nhận
Hoạt động thương mại của Quảng Bình tính chung 7 tháng đầu năm, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 34.901,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước đạt 29.884,5 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; doanh thu lưu trú và ăn uống 7 tháng năm 2024 ước đạt 3.045,5 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 393,7 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ ước 7 tháng năm 2024 đạt 1.577,5 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động với nhiều chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Bên cạnh đó, việc tăng lương cơ sở góp phần nâng cao đời sống của nhân dân làm cho sức mua của dân cư tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2024 tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, nguồn cung đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp,… hoạt động bình thường. Số lượng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu tại các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh dự trữ với số lượng lớn, nguồn cung dồi dào đa dạng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.
Theo đó, ngành Công thương Quảng Bình tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, đề xuất các dự án đăng ký trên địa bàn vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, bao gồm các dự án năng lượng, nguồn điện, phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại. Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện để đưa vào hoạt động trong năm 2024: Giai đoạn 1 dây chuyền nghiền xi măng Văn Hoá của Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam; các dự án viên nén năng lượng (Trung Chính, VINAFOR); may xuất khẩu (May QT Quảng Bình, may Tun Power mở rộng).
Tiếp tục xúc tiến đưa vào hoạt động các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Duy trì vận hành phát điện ổn định các nhà máy: Điện gió B&T, Thuỷ điện Hố Hô, Điện mặt trời Dohwa Lệ Thuỷ, kết hợp duy trì cấp nguồn từ các nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà, thu hồi nhiệt của các nhà máy sản xuất xi măng; xúc tiến triển khai các dự án lớn về công nghiệp trên địa bàn.
Tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, siêu thị, TTTM, chợ, cửa hàng xăng dầu,… trên địa bàn. Phối hợp với Cục QLTT tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường, làm tốt công tác dự trữ hàng hóa phòng chống bão, lũ lụt trong thời gian tới.