Từ mức đóng góp 100 nghìn tỉ đồng vào ngân sách năm 2011, đến năm 2019, thu ngân sách từ dầu thô chỉ còn trên 53 nghìn tỉ đồng.
Trong gần một thập kỷ, giá dầu thế giới đã giảm gần 40% khiến thu ngân sách Việt Nam từ nguồn vàng đen giảm tương ứng 47% - theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục thống kê. Đóng góp của dầu thô vào thu ngân sách cũng giảm mạnh trong thời gian nói trên, từ mức 15% xuống còn 4%.
Cuộc chiến giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và Nga chưa có dấu hiệu kết thúc. Giá dầu thế giới đã giảm xuống mức xung quanh 20 USD/thùng - là mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ gần đây. Mức giá này thấp hơn một nửa mức bình quân năm 2019.
Dự toán thu ngân sách năm 2020 từ dầu thô là 35,2 nghìn tỉ đồng, thấp hơn 34% so với mức thực thu năm 2019.
Tuy nhiên, ngay cả với mức dự thu này, khi giá dầu trong tình trạng tiếp tục sụt giảm, việc đảm bảo dự toán cũng là điều khó khăn với ngân sách.
Hãng thông tấn CNN mới đây dẫn lời ông Paul Sankey - Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Mizuho, cho rằng giá dầu thế giới có thể giảm về mức 0, hoặc thậm chí âm. Lý do ông Sankey đưa ra là nhu cầu dầu thế giới đang ở quanh mức 100 triệu thùng/ngày, và có thể giảm khoảng 20% sau đại dịch COVID-19. Nhu cầu giảm khiến dầu khai thác dư thừa khoảng 20 triệu thùng mỗi ngày, buộc các nhà sản xuất dầu phải trả tiền cho khách hàng để giải phóng hàng tồn kho.
Trong thông báo ngày 19.3.2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều nhà thầu sẽ không thể điều động nhân sự sang triển khai các phần việc thuộc các dự án; tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho dự án từ các nước có dịch đang thực hiện phong toả, cách ly cũng bị gián đoạn hoặc chậm…
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn.
Theo kế hoạch từ đầu năm, PVN dự kiến khai thách 10,62 triệu tấn dầu thô năm 2020, giảm hơn 2,5 triệu tấn so với mức khai thác năm 2019.
Minh Thư