Nét tương đồng văn hóa giữa người Việt Nam và các cộng đồng Hồi giáo trong Ngày Ifta Hạnh phúc

Hoàng Thảo

05/04/2024 05:55

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) vừa phối hợp với các bên liên quan, tổ chức "Ngày Iftar Hạnh phúc" tại trụ sở Viện (số 176 phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội). Sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo.

"Ngày Iftar Hạnh phúc" có sự tham dự của đại diện 21 Đại sứ quán, các khách mời đến từ các quốc gia Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt Nam và hàng trăm khách mời người Việt muốn trải nghiệm văn hóa Hồi giáo cùng mong muốn giao lưu học hỏi và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi chia sẻ, "Ngày Iftar Hạnh phúc" nhằm giới thiệu nhiều hơn nữa cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành hiểu thêm về văn hóa của người Hồi giáo. Qua đó chúng ta có thể mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo đúng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp và du lịch Halal Việt Nam đến năm 2030.

pgsts-le-phuoc-minh-pld-1712240178.jpg
PGS.TS Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi phát biểu tại sự kiện.

Xúc động với tấm thịnh tình của Việt Nam, ông Jamale Chouaibi - Đại sứ Morocco tại Việt Nam cảm ơn sáng kiến tổ chức "Ngày Iftar hạnh phúc" lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm. “Sáng kiến này là bằng chứng cho thấy Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc khoan dung, chung sống hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Đó cũng là minh chứng cho quyết tâm kiên cường của Việt Nam trong củng cố và giữ gìn gắn kết xã hội. Những sáng kiến này chắn chắn sẽ củng cố hơn nữa sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, vượt qua những định kiến và thể hiện  bản chất thực sự của đạo Islam” – ông Chouaibi nói.

Đại sứ Morocco cũng chia sẻ, Tháng Ramadan với hành động nhịn ăn suốt một ngày dài, còn là thời kỳ thăng tiến về mặt tâm linh. Đó là giai đoạn chúng ta tìm cách củng cố mối quan hệ với Thượng Đế. Đó cũng là giai đoạn người Muslim cố gắng hiểu nỗi đau khổ của người nghèo và người thiếu thốn. Do đó, tháng Ramadan còn có ý nghĩa dạy con người sự đồng cảm, lòng biết ơn, sự kiên nhẫn.

ong-jamale-chouaibi-pld-1712240176.jpg
Ông Jamale Chouaibi - Đại sứ Morocco tại Việt Nam.

Nhiều người Việt Nam đã đến tham dự "Ngày Iftar hạnh phúc" để hiểu hơn về văn hóa Hồi giáo, trải nghiệm các món ăn mới lạ mang đậm phong cách Trung Đông với vị cay đặc trưng, món cari thơm nồng, món chà là và các loại quả mọng rất được ưa chuộng trong những ngày nhịn ăn gian khổ của người Hồi giáo. Thực khách đi vòng quanh bàn tiệc, cùng nhau chia sẻ các món ăn và trò chuyện, giao lưu. 

cac-khach-moi-thuong-thuc-mon-an-pld-1712240177.jpg
Các khách mời trải nghiệm nhiều món ăn theo phong cách Trung Đông.

Tham dự sự kiện, Đại diện Sở Nông nghiệp Bắc Giang mang đến những sản phẩm đặc trưng của vựa nông nghiệp lớn nhất miền Bắc như trái vải thiều khô, mì chũ... Khách mời Hồi giáo vô cùng bất ngờ khi được nhận những món quà đặc biệt này. Nhiều lời hỏi thăm về thông tin nguồn gốc và tính năng của sản phẩm để lưu lại cơ hội hợp tác sâu hơn. 

Đại diện Sở Nông nghiệp Bắc Giang cho biết, Bắc Giang có tiềm năng lớn về chăn nuôi, sản xuất hoa quả, đặc biệt là trái vải thiều. Tỉnh mong muốn có thể tìm được đối tác để xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên. 

khach-moi-va-cac-dn-viet-nam-giao-luu-cung-khach-moi-hoi-giao-pld-1712240178.jpg
Các khách mời tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Hồi giáo.
doanh-nghiep-viet-nam-giao-luu-pld-1712240180.jpg
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu cùng các khách mời Hồi giáo.

Chia sẻ bên lề, PGS.TS Lê Phước Minh cho rằng, trong những năm gần đây, quan hệ của Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo đã được thắt chặt hơn, nhận thức của người Việt đối với người Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo đã không còn xa lạ, kỳ thị, một chiều nữa. Càng giao lưu nhiều, ta càng được sự tương đồng giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa của những cộng đồng Hồi giáo. 

Sở dĩ Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi lại lựa chọn Iftar làm chủ đề cho buổi giao lưu này là bởi ý nghĩa chia sẻ bữa ăn với những người nghèo khó, trải nghiệm nỗi đau và thấu hiểu họ, sự bình đẳng trước tạo hóa khi những người giàu ngồi bên người nghèo cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ thức ăn không hề xa lạ với truyền thống bầu bí thương nhau, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam. 

Họ cũng nhân văn và giàu tình thương không khác gì người Việt Nam. Bởi vậy, họ chính là những người bạn. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Hợp tác với các bạn bè đến từ các quốc gia Hồi giáo chính là cơ hội để đem lại lợi ích cho cả hai bên.

“Việt Nam đã xây dựng được những điều kiện để phát triển ngành công nghiệp Halal, Chính phủ cũng đang thúc đẩy các ngành xây dựng những tiền đề để phát triển ngành du lịch Hồi giáo nhằm thu hút các khách du lịch Hồi giáo đến trải nghiệm tại Việt Nam”, Viện trưởng Lê Phước Minh nói. Ông Minh tin tưởng với nỗ lực của các ngành các cấp và các doanh nghiệp, cùng với sự ủng hộ của Đại sứ quán các nước, ngành du lịch Hồi giáo của Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng.

Iftar là lễ xả chay trong tháng Ramadan – dịp lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Tháng Ramadan diễn ra vào tháng Chín Âm lịch của người Hồi giáo nên không có ngày cố định theo Dương lịch, thường sẽ rơi vào tầm tháng Ba đến tháng Sáu hàng năm. Trong tháng này, các tín đồ Hồi giáo sẽ dùng hai bữa chính trong ngày gồm Suhoor (bữa ăn trước bình minh) và Iftar (bữa ăn sau hoàng hôn).

Hoàng Thảo