Ngày 25.2, FECredit - công ty cho vay tiêu dùng dẫn đầu tại thị trường Việt Nam thông báo sẽ chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần. Điều này sẽ giúp FECredit mở rộng cơ hội trong việc kêu gọi đầu tư. Hơn thế nữa, việc chuyển đổi thành công ty cổ phần cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn lực mới từ quản trị đến công nghệ.
FECredit cho biết, hiện công ty này nắm khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam và phần còn lại thuộc về các đối thủ khác như HD Saison, Home Credit. FECredit sở hữu 100% bởi ngân hàng VPBank. Vấn đề hiện tại của FECredit nằm ở chỗ, công ty đang phải tìm mọi cách để khai thác miếng bánh vay tiêu dùng tại Việt Nam. Nhiều người trẻ thừa nhận có nhu cầu chi tiêu vượt mức thu nhập. Tuy nhiên, các khoản vay thường ưu tiên đến từ bạn bè và người thân. Công ty tài chính tiêu dùng chỉ là một trong những kênh vay vốn tiêu dùng bên cạnh người thân, bạn bè. Người Việt Nam có xu hướng tiết kiệm hơn tiêu xài. Theo số liệu của Nielsen, gần 70% người dùng có xu hướng dùng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm.
Do đó, hướng đi mới của các nhà đầu tư là làm sao có thể đưa ra những sản phẩm phù hợp với khách hàng đồng thời không quá rủi ro. Để giải quyết vấn đề này, các công ty hướng đến việc xây dựng chân dung từng khách hàng cá nhân từ dữ liệu. Không chỉ là vốn, vay tiêu dùng giờ đây còn là cuộc đua của dữ liệu.
Không chỉ VPBank hay Be, Grab cũng đang hoàn thiện hệ thống dịch vụ tài chính của mình. Đây được xem như bước quan trọng sau quá trình đốt tiền vào các dịch vụ gọi xe, hay gọi thức ăn để “educate”, thị trường, thay đổi hành vi của người dùng trong việc di chuyển.
Grab đang nắm dữ liệu của 9 triệu đối tác bao gồm lái xe, đối tác bán hàng. Mọi người dùng trên ứng dụng của Grab đều có thể trở thành khách hàng của Grab. Chỉ riêng những đối tác lái xe, Grab có thể theo dõi mức lương của tài xế và phân tích những gói sản phẩm bảo hiểm hay tín dụng phù hợp với họ.
Với khách hàng thành phố sử dụng dịch vụ các dịch vụ mà Grab có mặt tại Việt Nam suốt 5 năm. Cùng với số liệu, thâm nhập vào lĩnh vực tài chính cho phép Grab thiết kế những sản phẩm tài chính như bảo hiểm, vay tiêu dùng, và đầu tư. Singapore là quốc gia cởi mở với công nghệ, Grab bắt tay với Singtel - công ty viễn thông chiếm thị phần cao nhất để xin giấy phép thành lập ngân hàng số, tạo tiền đề cho các dịch vụ mới thiên về ngân hàng.
Sau khi tám năm vận hành hệ thống, Grab có dữ liệu của khách hàng và tài xế từ các ứng dụng gọi xe, giao hàng, gọi thức ăn và chi tiêu của khách hàng. Việc có riêng một ngân hàng số có thể giúp Grab trong việc quản lý dòng tiền vốn đang nằm trong lượng khách hàng đang cài đặt ví điện tử của ứng dụng. Chỉ riêng tại Việt Nam, 35% giao dịch thực hiện trên ứng dụng Grab thông qua ví điện tử. Grab cũng đang có lợi thế về vốn khi mới đây, Grab công bố gọi vốn thành công 850 triệu USD để đầu tư vào lĩnh vực tài chính từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Năm ngoái, VPBank công bố hợp tác với ứng dụng gọi xe Be để nhắm đến các sản phẩm cho khách hàng cá nhân, tài xế, và doanh nghiệp nhỏ (SME). Ứng dụng Be hiện có khoảng 4 triệu thiết bị di động với khoảng 30.000 tài xế..
Theo số liệu từ Cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỉ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Dâng Phạm