Để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng là 2,0 - 2,5%, UBND tỉnh Long An mới đây đã yêu cầu các sở ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp phấn đấu đạt nhiệm vụ tăng trưởng khu vực 1.
Theo đó, giao Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là theo dõi diễn biến sâu bệnh trên cây trồng chủ lực của tỉnh. Phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động sản xuất và phòng trừ đạt hiệu quả. Phấn đấu sản lượng lúa năm 2024 đạt 2.950.000 tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75 - 80% tổng sản lượng.
UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở NN&PTNT tập trung triển khai thực hiện tốt giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Chủ động điều tiết, vận hành công trình đầu mối, ngăn mặn để dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước phục vụ dân sinh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân nhất là áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất tốt, tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền người dân sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng cao. Xây dựng các mô hình ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật… tuyên truyền cho người dân.
Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng trên gia súc, gia cầm và vắc xin bệnh dại. Tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với tình hình mới, thúc đẩy chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch, an toàn vùng dịch và công tác tái đàn vật nuôi của tỉnh. Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2025 của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất thủy sản. Tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản; triển khai giám sát bệnh thủy sản tại vùng nuôi... Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thực hiện đúng các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa. Phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại năm 2024 đạt ít nhất 90.000 tấn.
Đồng thời, Sở NN&PTNT cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2024 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực ngành, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Xây dựng các mô hình điểm, mô hình nhân rộng trên các cây (cây lúa, cây rau, cây thanh long, cây chanh), con (con bò thịt, tôm nước lợ); xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm gạo, rau, thanh long, chanh và bò thịt….
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2024, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm các hàng hóa nông sản của tỉnh. Phấn đấu năm 2024 toàn tỉnh có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2024 toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Ông Võ Kim Thuần - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho biết, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Thuần, tính đến tháng 11/2023, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 36 sản phẩm đạt 4 sao, 88 sản phẩm đạt 3 sao. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn.
Theo Giám đốc Sở NT&PTNT Nguyễn Thanh Truyền, để bảo đảm chất lượng, tiến độ các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung tối đa cho công tác lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, ngành tập trung thực hiện chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy trình GAP để đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Phấn đấu sản lượng lúa giai đoạn 2021-2025 bình quân gần 3 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm hơn 70%.