Kinh tế học vì con người

vutuan

17/07/2019 11:59

Alan Krueger, người vừa qua đời vào ngày 16.3 vừa qua, là một trong những nhà kinh tế hiếm hoi thoát ra khỏi tháp ngà và không ngừng lao vào thế giới thực ...



Alan Krueger, người vừa qua đời vào ngày 16.3 vừa qua, là một trong những nhà kinh tế hiếm hoi thoát ra khỏi tháp ngà và không ngừng lao vào thế giới thực, nơi con người vẫn sống để khai quật lên những hiểu biết quan trọng và gây tranh cãi thành nhiều chủ đề khác nhau như mức lương tối thiểu, đại dịch opioid, bất bình đẳng kinh tế, hay thậm chí nhạc rock & roll.

lan Bennett Krueger sinh ngày 17.9.1960 và lớn lên ở Livingston, bang New Jersey (Mỹ). Ông theo học tại Đại học Cornell với ý định trở thành luật sư, nhưng trong khi phân tích dữ liệu cho một bài nghiên cứu cấp đại học, ông nhận ra mình thích công việc có tính thực nghiệm. Sau khi tốt nghiệp Cornell năm 1983, ông theo học ngành kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông lấy bằng tiến sĩ năm 1987.
Krueger có mối quan hệ gắn bó với Washington. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Clinton, ông là nhà kinh tế trưởng tại Bộ Lao động Mỹ. Sau đó, ông tạm rời Washington trong một thời gian dài, nhưng ngay sau khi ông Barack Obama nhậm chức vào năm 2009, tân tổng thống đã chọn Krueger làm trợ lý Bộ trưởng Tài chính về chính sách kinh tế. Công việc của ông chủ yếu tập trung vào thị trường lao động và việc các chính sách ảnh hưởng đến người dân như thế nào. Sau một thời gian ngắn trở lại Đại học Princeton làm việc, ông quay về Washington với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế, nơi ông thúc đẩy chính quyền tập trung vào các vấn đề bất bình đẳng và cơ hội kinh tế.
“Alan sâu sắc hơn là những con số trên màn hình và biểu đồ trên trang giấy”, Obama từng nói trong một bài phát biểu. “Ông coi chính sách kinh tế không phải vấn đề của các lý thuyết trừu tượng mà là cách để làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn”. Đối với Krueger, các con số không chỉ là những thống kê khô khan. Chúng có khả năng kể những câu chuyện về tình trạng đau đớn của người dân khiến ông không thể an lòng. Quyết định từ giã cuộc đời ở tuổi 58, Krueger để lại nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế học. Phần lớn trong đó thể hiện sự quan tâm của ông dành cho những thành phần yếu thế trong xã hội và sự bình yên trong cuộc sống của con người.

Krueger có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc thách thức niềm tin lâu đời rằng tăng lương tối thiểu sẽ dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao hơn. Năm 1993, Krueger và David Card, nhà kinh tế học của Đại học Princeton, đã nghiên cứu thực địa về ngành công nghiệp đồ ăn nhanh ở cả hai bên biên giới tiểu bang giữa New Jersey và Pennsylvania vào cuối những năm 1980 sau khi New Jersey tăng mức lương tối thiểu và Pennsylvania thì không.
Trái với nguyên tắc kinh tế học chính thống, Krueger và Card tập hợp dữ liệu thực nghiệm cứng cho thấy việc làm thực ra đã tăng lên ở New Jersey khi tiền lương tăng và việc làm giảm đi ở Pennsylvania mặc dù mức lương thấp hơn. Trên thực tế, trong một số điều kiện, việc tăng mức lương tối thiểu thực ra có thể thúc đẩy việc làm, dựa trên logic lập luận căn bản của họ là các công ty có thể chọn trả lương thấp với tỉ lệ bỏ việc cao và mất nhiều thời gian để tìm người mới hoặc trả lương cao và tỉ lệ nghỉ việc ít hơn và lấp đầy chỗ trống nhanh hơn. Kết quả nghiên cứu này đã gây ảnh hưởng lớn đến giới kinh tế học và cho thấy tầm quan trọng của việc các lý thuyết cần được chứng minh thực nghiệm.

Bài viết: Như Mai
Ảnh: Shutterstock, Bão Zoãn
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Ngừng suy nghĩ

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế học vì con người" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.