Khẩu trang y tế vẫn khan hiếm

thunguyen

04/05/2020 13:50

Mặc dù bắt đầu xuất hiện trở lại tại các cửa hàng, hiệu thuốc trong nước, khẩu trang y tế vẫn là mặt hàng khan hiếm trên phạm vi toàn thế giới.

Ngay từ khi Trung Quốc công bố dịch bệnh, cuối tháng 1.2020, DPharm - doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị y tế đã nhập khẩu máy sản xuất khẩu trang y tế từ Trung Quốc và bắt đầu sản xuất và xuất khẩu. Ông Nguyễn Tiến Huy, phụ trách mảng phân phối DPharm cho biết giai đoạn cao điểm, công ty huy động công nhân làm việc 20h/ngày để đảm bảo các đơn hàng từ nước ngoài. Hiện tại, thời gian lao động đã được giãn xuống.

“Sản xuất khẩu trang y tế không khó, khó là ở nguyên vật liệu. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên vật liệu cho các sản phẩm khẩu trang y tế. Nhu cầu khẩu trang y tế ở các nước nhìn chung vẫn cao” - ông Huy cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục nhập máy sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc, thông qua đường hàng không, đại diện một hãng logistics tại Việt Nam cho biết.

Số ca nhiễm virus trên toàn cầu tăng nhanh từ giữa tháng Ba đến nay (Nguồn: Đại học Johns Hopkins)
Số ca nhiễm virus trên toàn cầu tăng nhanh từ giữa tháng Ba đến nay (Nguồn: Đại học Johns Hopkins)

Trong thông báo giữa tháng Tư, Bộ Công thương cảnh báo các doanh nghiệp cần thận trọng khi đầu tư sản xuất khẩu trang y tế với quy mô lớn. Cuối tháng Tư, Tổng cục Hải quan cũng chính thức có văn bản hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nới lỏng các điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế. Chỉ cần các doanh nghiệp có đơn hàng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của phía khách hàng, việc xuất khẩu không còn bị hạn chế như trước.

Trước đó, đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF và Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cũng kêu gọi các quốc gia gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu với các sản phẩm thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang y tế.

Bắt đầu từ tháng Tư, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị mọi người cần dùng khẩu trang để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Khuyến nghị này trái với những tuyên bố trước đây của WHO và một số chính phủ, cho rằng chỉ những nhân viên y tế và người có dấu hiệu nhiễm virus mới cần dùng khẩu trang. Nhu cầu khẩu trang trên toàn thế giới được đẩy lên cao, đặc biệt khi Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng một nửa lượng khẩu trang toàn cầu, là nước đầu tiên khởi phát dịch bệnh, và lượng khẩu trang nước này sản xuất không đủ cung cấp cho thị trường nội địa.

Khẩu trang trở thành vật dụng cần thiết và phổ biến nhất trong giai đoạn đại dịch. Sự khan hiếm khẩu trang và thiết bị y tế khác trên toàn cầu đã mang lại cơ hội xuất khẩu hàng tỉ USD cho Trung Quốc, nước khởi phát nhưng đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện số ca nhiễm bệnh trên thế giới đã vượt qua 3,5 triệu người và đang không ngừng tăng, theo thống kê từ Trung tâm nghiên cứu Đại học Johns Hopkins. Mỹ đang đứng đầu về số ca nhiễm với gần 1,2 triệu người. Thói quen dùng khẩu trang y tế đã dần trở nên phổ biến, đặc biệt tại Mỹ, nơi từ trước đến nay khẩu trang hầu như chỉ được dùng trong các bệnh viện, phòng thí nghiệm.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Khẩu trang y tế vẫn khan hiếm" tại chuyên mục Khoa học quản lý.