Hiện thực hóa Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn Nhà ở xã hội tới năm 2025

Hạ Anh

20/10/2023 08:13

Chiều 19/10 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn Nhà ở xã hội”. Đây là chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, đặt trong bối cảnh Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023.

xay-dung-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-pld-1697739628.jpg

Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn Nhà ở xã hội”.

Nhà ở là một nhu cầu thiết yếu của con người và là một trong những quyền cơ bản được Hiến định. Đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các văn bản hướng dẫn dưới luật, Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2. 

“Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định. Do đó, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

bo-truong-nguyen-thanh-nghi-pld-1697739628.jpg

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Toạ đàm.

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Đối với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đang được triển khai theo hai nguồn vốn ưu đãi quy định tại: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại. 

Đến hiện nay đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay với số tiền gần 24.900 tỉ đồng. Trong đó, 49 dự án nhà ở xã hội có nhu cầu vay hơn 24.600 tỉ đồng; 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là hơn 1.200 tỉ đồng. Đã có một số dự án tại các địa phương được giải ngân với số vốn là 83/1.095 tỉ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Tại Toạ đàm, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng đồng tình chung rằng để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng; hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hoá từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Dưới độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Thọ – Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323 ngày 30/3/2023, thành phố Hải Phòng sẽ có 30 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp và 08 khu vực phát triển công nghiệp.

Do vậy, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới là rất lớn. Bên cạnh đó, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338, thành phố Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, trong đó: Giai đoạn 2022 - 2025 là 15.400 căn; Giai đoạn 2026 - 2030 là 18.100 căn.

ong-nguyen-huu-tho-pld-1697739587.JPG

Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Hữu Thọ.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, thành phố Hải Phòng đã đưa ra các giải pháp, cụ thể như: Lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở. Chuẩn bị trước các định hướng quy hoạch cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố để chủ động phát triển nhà ở xã hội với quan điểm đây là một khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố, các cơ chế hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, hỗ trợ ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới như hỗ trợ lãi suất vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ giá thuê nhà,…

“Bên cạnh đó, thực hiện công tác tuyên truyền để người dân dần xóa bỏ thói quen “ở nhà mặt đất”. Xóa bỏ tư duy nhà ở xã hội là nhà cho đối tượng “yếu thế - thu nhập thấp” để hình thành quan điểm nhà ở xã hội là một dạng phân khúc nhà ở có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với khả năng chi trả do có sự hỗ trợ từ nhà nước.” – ông Thọ đặc biệt nhấn mạnh.

Hạ Anh