Hậu COVID-19: Tám nhóm giải pháp phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới

Hạnh Nguyễn

01/10/2021 14:46

MPI đang phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.

 Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch COVID-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch COVID-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

 

Dịch bệnh mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng mang đến cả bài học, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia. Qua những tác động và thay đổi từ dịch bệnh, Việt Nam nhận ra những khiếm khuyết, điểm yếu trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế và xã hội, quan trọng hơn là cơ hội để kịp điều chỉnh cho một tương lai mới - hậu Covid-19.

Thông tin trên được ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 diễn ra ngày 1/10. 

Chính sách hỗ trợ chủ yếu trong ngắn hạn

Ông Dũng cho hay, việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Kinh tế tăng trưởng chậm lại khi 9 tháng của năm chỉ đạt 1,42%. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy.

Không chỉ có vậy, chi phí hầu hết mọi ngành sản xuất đều tăng cao trong khi năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút. Điều này dẫn đến những nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp bị bào mòn, kéo theo đời sống của người dân, người lao động rất khó khăn.

Hau COVID-19: Tam nhom giai phap phuc hoi kinh te trong giai doan moi hinh anh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh/Vietnam+)

“Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Chính sách hỗ trợ bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách Nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP) thì mức hỗ trợ này vẫn ở mức thấp,” ông Dũng nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ông đánh giá chính sách hỗ trợ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu giải quyết những khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân thông qua tác động về phía cung của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ này vẫn thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

“Đảng, Quốc hội đã xác định đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7% đồng thời đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế trong nước đang đối mặt với không ít khó khăn, áp lực về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là ngân sách Nhà nước, nguồn cung và giá cả nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, thiên tai, biến đổi khí... Do đó, thách thức và yêu cầu đặt ra cho năm 2022 và năm 2023 là hết sức to lớn,” ông Dũng nhấn mạnh.

Tám nhóm giải pháp chủ lực

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là hết sức cấp thiết.

Bộ này cũng chỉ ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Thứ nhất, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19,” tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia đồng thời kiểm soát lạm phát và tiết kiệm chi thường xuyên.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất-kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.

Hau COVID-19: Tam nhom giai phap phuc hoi kinh te trong giai doan moi hinh anh 2Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ tư, phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước. Cụ thể, phát triển ngành du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Thông qua, các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng nội địa (như các chính sách bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại và giảm thuế, phí ô tô trong nước).

Thứ năm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI, khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Thêm vào đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trong hai (năm 2022-2023) khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thứ bảy, phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Thứ tám, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Thứ trưởng cho biết trên cơ sở các giải pháp chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự kiến các nhiệm vụ phân công thực hiện của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên, liên tục theo các chính sách đã được ban hành trước đây về cải cách hành chính, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đầu tư..., xác định các nhiệm vụ cụ thể, có tính chất trọng tâm, trọng điểm, đột phá của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, thời gian thực hiện trong giai đoạn tới.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, theo dõi tình hình thực hiện, báo cáo Chính phủ về kết quả triển khai, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách bổ sung trong trường hợp cần thiết, trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 và tháng 12 năm 2022-2023,” ông Phương chia sẻ./.

Hau COVID-19: Tam nhom giai phap phuc hoi kinh te trong giai doan moi hinh anh 3Hội nghị tham vấn về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023, ngày 1/10. (Ảnh: Vietnam+)

Hạnh Nguyễn