Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Với hơn 2.360 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài khoảng 41.900 km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông. Ở miền Bắc, hệ thống sông Hồng không chỉ đóng vai trò là tuyến giao thông quan trọng mà còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông như làng gốm Bát Tràng, Bút Tháp, Đền Đô. Sông Hương ở Huế lại nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và sự gắn kết với di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế.
Ở miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với hệ thống kênh rạch dày đặc, là nơi lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái và khám phá văn hóa sông nước, chợ nổi như Cái Răng, Phong Điền. Ngoài ra, nhiều khu vực sông nước tại Việt Nam có hệ sinh thái đa dạng, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm như vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng (Kiên Giang), Cát Tiên (Đồng Nai) không chỉ là những điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên.
Với tiềm năng như vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã bước đầu chú trọng phát triển du lịch đường sông và đã đạt được những thành công nhất định, điển hình như du lịch trên dòng sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)... Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh hiện khai thác tới 17 tuyến du lịch đường thủy, trong đó 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) nhận định: “Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác”.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông có thể được nhận định là: hạ tầng giao thông đường thuỷ còn kém, nhiều tuyến đường sông chưa được đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho việc di chuyển và khai thác du lịch; hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, việc thiếu bến tàu du lịch, giao thông kết nối từ bến sông đến điểm tham quan chưa được đầu tư, điểm tham quan du lịch chưa nhiều dịch vụ, cảnh quan hai bên bờ sông ở phần lớn các tuyến du lịch chưa được chỉnh trang làm cho việc khai thác du lịch đường sông gặp nhiều bất lợi; ô nhiễm môi trường; chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ; thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch đường sông; công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn hạn chế…
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập, nhiều khu vực sông nước có giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái nhưng chưa được bảo tồn và quản lý đúng mức. Việc khai thác quá mức các tài nguyên du lịch mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển bền vững.
Trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông, TS. Nguyễn Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp cần tập trung như:
Đầu tư hạ tầng và quy hoạch đồng bộ, các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch; cần xây dựng các bến tàu, cầu cảng phù hợp, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ như nhà hàng, khách sạn ven sông để nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ven sông, trải nghiệm các lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền, đua ghe... hay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống tại các làng ven sông.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương thông qua các chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông sẽ giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.
Tăng cường quản lý môi trường, cần áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả; có thể xây dựng và hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông như mô hình khu bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ, nơi các hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường được kết hợp hài hòa.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá hiện trạng, nhận diện các yếu tố, các rào cản ảnh hưởng đến phát triển du lịch đường sông tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, tìm ra những vấn đề chủ yếu cần giải quyết và gợi mở những chính sách, giải pháp để phát triển du lịch đường sông tại Việt Nam, hướng tới trong tương lai các dòng sông của Việt Nam sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đa dạng nhưng không kém phần độc đáo.