Góc nhìn pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước qua vụ cư dân một chung cư kiến nghị xử lý sai phạm của chủ đầu tư

Nguyễn Trí Đảm

17/08/2023 10:57

Thời gian gần đây, tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân các chung cư với các chủ đầu tư liên quan đến việc chủ đầu tư tự ý xây dựng công trình trên đất sử dụng chung; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; chậm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… ngày càng phổ biến. Vụ việc cư dân chung cư Xuân Phú (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) kiến nghị xử lý sai phạm đối vơi công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Xuân Phú, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khu chung cư Xuân Phú là một ví dụ điển hình. Vậy, trường hợp nào cư dân sẽ khởi kiện Chủ đầu tư ra Tòa án để giải quyết tranh chấp? Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thế nào đối với những sai phạm của các Chủ đầu tư?

Khi nào các tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở được giải quyết tại Tòa án?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 177 Luật Nhà ở 2014 về giải quyết tranh chấp nhà ở:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải;

2. Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến hợp đồng về nhà ở, hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của Pháp luật…”.

Tại khoản 1, điều 43 trong Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/BXD được hợp nhất trong văn bản số 08/VBHN-BXD ngày 17/12/2019 của Bộ Xây dựng cũng quy định: “1. Các tranh chấp về quyền sở hữu nhà chung cư được giải quyết trên cơ sở thương lượng, hòa giải theo quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan; trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của Pháp luật…”.

Như vậy, nếu xảy ra tranh chấp dân sự về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân mà không liên quan đến phạm vi điều chỉnh của các Luật khác thì vụ việc sẽ được giải quyết theo hướng hòa giải hoặc chuyển cho Tòa án giải giải quyết.

anh-dai-dien-cc-xp-1692245222.jpg
Chung cư Xuân Phú ở Thành phố Huế

Trở lại với trường hợp tranh chấp tại chung cư Xuân Phú, trong bản kiến nghị số: 61/KN-BQT ngày 17/02/2022 và kiến nghị số 79/KN-BQT ngày 25/8/2022 gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành, Ban quản trị (BQT) chung cư Xuân Phú đã liệt kê và phân tích chi tiết sai phạm từng vụ việc của chủ đầu tư dự án Chung cư Xuân Phú. Nhận được  kiến nghị, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì giải quyết thỏa đáng được một số vấn đề. Tuy nhiên, theo BQT chung cư Xuân Phú, vẫn còn nhiều vấn đề trọng yếu Sở này không xử lý và đề nghị cư dân khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp, đồng thời khẳng định chưa đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm của Chủ đầu tư, cụ thể: Xây dựng bãi đỗ xe ngoài trời và bể bơi trên đất sử dụng chung; tự ý chuyển đổi công năng trong nhà để xe và không chịu bàn giao nhà xe cho cư dân sử dụng; chậm bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng.

Bản chất của ba vụ việc nêu trên thực ra cũng là tranh chấp dân sự giữa cư dân và chủ đầu tư, do đó theo nguyên tắc sẽ được giải quyết thông qua hòa giải hoặc khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, trong vụ việc này cư dân không khiếu nại hay khởi kiện ra Tòa án mà lại gửi kiến nghị đến Sở Xây dựng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Xuân Phú, vì BQT cho rằng công ty này vi phạm đồng thời Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và Luật đất đai. Nếu các hành vi vi phạm liên quan đến Luật Xây dựng và Luật Đất đai được xử lý vi phạm hành chính thì đương nhiên tranh chấp sẽ được giải quyết vì trong xử phạt hành chính có kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả. Khi đó, dù không khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án nhưng vấn đề tranh chấp vẫn đương nhiên được giải quyết.

Vấn đề đặt ra là BQT chung cư Xuân Phú có chứng cứ gì để chứng minh chủ đầu tư đã vi phạm hành chính? Căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nào để BQT kiến nghị xử lý hành chính chủ đầu tư? Nếu BQT không đưa ra được bằng chứng hoặc cơ quan quản lý nhà nước xác định các chứng cứ không có cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính thì vụ việc tranh chấp giữa cư dân chung cư Xuân Phú với chủ đầu tư không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhưng nếu BQT chung cư Xuân Phú đưa ra được chứng cứ có cơ sở pháp lý chứng minh chủ đầu tư vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Chương VI, Nghị định số 16/2022 phải tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của chủ đầu tư.

Các chứng cứ BQT đưa ra có đủ cơ sở để chứng minh chủ đầu tư vi phạm hành chính?

BQT chung cư Xuân Phú đã đưa ra một loạt chứng cứ để chứng minh chủ đầu tư vi phạm Luật Xây dựng và Luật Đất đai như sau:

Thứ nhất: Chứng cứ chứng minh Chủ đầu tư chiếm đất: BQT chung cư Xuân Phú đã xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đó, đất sử dụng chung được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại chung cư Xuân Phú là: 18.961,1 m2. Theo BQT, điều này chứng minh rằng: Đất mà chủ đầu tư đang xây dựng bãi đỗ xe ngoài trời và bể bơi nằm hoàn toàn trong diện tích đất sử dụng chung của cư dân chung cư Xuân Phú.

anh-2-1692243343.jpg
Giấy chứng nhận QSDĐ chứng minh đất sử dụng chung

 Tại khoản 2, điều 3, Nghị Định 91/2019-NĐ-CP quy định:.” Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

 b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;…”

Mặt khác, BQT chung cư Xuân Phú cũng khẳng định chưa bao giờ cư dân/BQT chung cư Xuân Phú cho phép Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Xuân Phú được thuê hay được phép sử dụng một phần diện tích này để xây dựng bãi đỗ xe ngoài trời và bể bơi. Bằng chứng là không có bất kỳ một văn bản nào được ký kết giữa chủ đầu tư với BQT Chung cư.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản số 2838/SXD-QHKT ngày 14/9/2020, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định: “Diện tích đỗ xe phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của dự án nhà ở xã hội - Chung cư Xuân Phú được tính toán bao gồm diện tích đỗ xe trong nhà và khu vực đỗ xe ô tô ngoài trời. Việc đưa diện tích đỗ xe ô tô, bể bơi vào 20% diện tích kinh doanh thương mại là không đảm bảo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 9, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý nhà ở xã hội. Ngoài ra phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án đã được phê duyệt không bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại và chủ đầu tư đã dành 20% tổng diện tích sàn nhà ở của dự án để bán theo giá kinh doanh thương mại”.

Thứ hai: Chứng cứ chứng minh công trình xây dựng trên đất lấn chiếm: Theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 49, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014: “a) Diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là căn hộ) bao gồm diện tích đất xây dựng khối nhà chung cư, làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà và đất xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài nhà chung cư nhưng để phục vụ trực tiếp cho nhà chung cư được chủ đầu tư bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ tự tổ chức quản lý, sử dụng theo dự án đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung trong dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế mặt bằng công trình để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;…”

Theo hồ sơ, hạng mục bãi đỗ xe ngoài trời và bể bơi thực tế do chủ đầu tư lập thiết kế cơ sở và đã được Sở Xây dựng phê duyệt. Tuy nhiên, như đã nói, việc phê duyệt thiết kế cơ sở này không có nghĩa là Sở Xây dựng cho phép Công ty Cổ phần xây dựng và đầu tư Xuân Phú được đầu tư xây dựng hai công trình nói trên để phục vụ cho mục đích kinh doanh trên đất sử dụng chung của cư dân chung cư Xuân Phú.

Cũng theo kết luận của Sở Xây dựng tại biên bản cuộc họp ngày 22/11/2022, Chủ đầu tư đã xây dựng bãi đỗ xe có mái che và bể bơi (nằm trên đất sử dụng chung-PV) lần lượt có diện tích: 1.000,56m2 và 606,19 m2. Tại biên bản này, Sở Xây dựng không đề cập đến việc Chủ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và bể bơi trên đất sử dụng chung và việc xây dựng đó là đúng hay sai. Tuy nhiên, trong công văn 559/SXD-TTXD ngày 28/02/2023 của sở Xây dựng gửi BQT chung cư Xuân Phú và công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Xuân Phú có đoạn: “Do bãi đỗ xe ô tô có mái che và bể bơi được chủ đầu tư xây dựng trên khu vực đất sử dụng chung, phục vụ lợi ích chung cho cư dân…”

anh-nha-xe-2-1692243443.jpg
Bãi đỗ xe có mái che của chủ đầu tư xây dựng trên đất sử dụng chung

Căn cứ vào thực tế hiện trường là diện tích bãi đỗ xe ngoài trời và bể bơi do Sở Xây dựng đo vẽ và đã thể hiện trong biên bản cuộc họp ngày 22/11/2022; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ đất sử dụng chung của cư dân chung cư này là 18.961,1 m2, và một đoạn trong công văn 559/SXD-TTXD như đã trích dẫn đã đảm bảo đủ chứng cứ để chứng minh chủ đầu tư xây dựng công trình trên đất lấn chiếm?

anh-4-1692243479.jpg
Bể bơi của chủ đầu tư xây dựng trên đất sử dụng chung của cư dân

Thứ ba: Chứng cứ chứng minh chủ đầu tư xây dựng thêm nhà vệ sinh và bán nhà cho người khác làm mục đích để ở: Theo hồ sơ thiết kế cơ sở được thẩm định tại văn bản số: 100/SXD-QLXD ngày 17/01/2017 của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thì 2 căn nhà khối 1C và 2 căn nhà khối 1E được thiết kế làm nhà để xe máy. Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của cư dân, được xây dựng trên đất sử dụng chung. Trong hồ sơ được thẩm định, 4 căn nhà  này không có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cả 4 căn này đều được chủ đầu tư xây dựng thêm nhà vệ sinh. BQT chung cư Xuân Phú khẳng định việc xây dựng thêm nhà vệ sinh trong nhà để xe là không đúng với hồ sơ thiết kế cơ sở đã được thẩm định.

anh-5-1692243533.jpg
Công trình nhà vệ sinh không có trong thiết kế cơ sở tại nhà để xe

 Một chi tiết quan trọng để BQT chung cư Xuân Phú chứng minh chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng từ nhà để xe thuộc tài sản sở hữu chung của cư dân chung cư Xuân Phú thành nhà ở thương mại, đó là hợp đồng mua bán nhà ở thương mại số: 18080065/HĐMB-CTXP/NOTM ký ngày 14/8/2018 giữa Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư Xuân Phú với ông NHT và bà TNH. Theo đó, Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư Xuân Phú bán căn hộ số 3 tầng 1, thuộc khối nhà 1C (Theo cách gọi của chủ đầu tư, đây là căn nhà thuộc sở hữu chung của cư dân chung cư Xuân Phú-PV)

anh-6-1692243604.jpg
Trang đầu và trang cuối của Hợp đồng mua bán nhà ở thương mại số: 18080065/HĐMB-CTXP/NOTM

Thứ tư: Chứng cứ chứng minh chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cho cư dân: Theo văn bản số 2224/UBND-XD ngày 05/05/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu chung cư Xuân Phú, tiến độ của dự án này được thực hiện từ năm 2014-2018, trong đó, giai đoạn 1 (2014-2015) phải hoàn thành nhà dịch vụ cộng đồng (tầng 1 là nhà sinh hoạt cộng đồng). Sau đó, dự án này được gia hạn tiến độ đến năm 2020. Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư triển khai việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng đến nay khu đất được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn là cái “lô cốt” bằng tôn án ngữ mặt tiền chung cư Xuân Phú.

anh-7-1692243691.jpg
Khu đất quy hoạch xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng

Liên quan đến vấn đề này, BQT chung cư Xuân Phú có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng theo điểm a, khoản 3, điều 167, Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên Sở Xây dựng phúc đáp rằng: “Về tiến độ dự án, trong kết luận thanh tra số 938/KL-TTr ngày 04/10/2018 của Thanh tra Tỉnh thì dự án “Khu chung cư Xuân Phú” được Sở Kế hoạch và đầu tư đồng ý giãn tiến độ thực hiện dự án đến năm 2020. Đến nay đã quá hạn thực hiện dự án, đề nghị chủ đầu tư liên hệ với Sở Kế hoạch và đầu tư để điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền.Việc xử lý vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 3, điều 67, Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính Phủ “ không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định” như kiến nghị của BQT chung cư Xuân Phú là không phù hợp.”

Như vậy, chính Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã khẳng định chủ đầu tư chậm tiến độ xây dựng.

Với loạt chứng cứ do BQT chung cư Xuân Phú đưa ra, liệu đã đủ cơ sở pháp lý để chứng minh chủ đầu tư vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đất đai… để lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính?

Chuyên gia Pháp lý và Bộ Xây Dựng nói gì?

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý kiến nghị của cư dân về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Chủ đầu tư vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và đất đai, Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đăng Tư – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Ngoài vai trò giám sát việc xây dựng, triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật, khi có tranh chấp, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương là cơ quan đầu tiên mà người dân sẽ nghĩ đến để nhờ bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm. Quá trình thực hiện chức năng của mình, ngoài việc tiến hành hòa giải, nếu có xảy ra tranh chấp hoặc phản ánh vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm theo nguyên tắc “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

luat-su-nguyen-dang-tu-1692500625.jpg
Thạc sỹ Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn Luật sư TPHCM)

Với những chứng cứ do BQT chung cư Xuân Phú đưa ra như trên, Luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng đã chứng minh được chủ đầu tư đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và đất đai. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần phải tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính, cụ thể:

Hành vi lấn chiếm đất sử dụng chung của Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư Xuân Phú đã vi phạm khoản 1, điều 12 của Luật Đất đai 2013. Theo quy định tại khoản 5, điều 14, Nghị Định 91/2019/NĐ-CP, hành vi lấn chiếm đất sử dụng chung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20.000.000-60.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục là buộc phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính chính bằng tiền theo quy định trên, chủ đầu tư còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có.

Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt của tội vi phạm các quy định về xử lý đất đai như sau:

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất; hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây; thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.”

Với hành vi xây dựng bãi đỗ xe và bể bơi trên đất sử dụng chung (đất lấn chiếm) đã vi phạm khoản 11, điều 12, Luật xây dựng 2014. Theo quy định tại điểm c, khoản 10, điều 16, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 180.000.000-200.000.000 đồng. Ngoài ra còn phải khắc phục hậu quả bằng cách buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Đối với việc Chủ đầu tư tự ý xây thêm nhà vệ sinh trong nhà để xe máy và bán cho người khác làm mục đích để ở, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng: Việc Sở Xây dựng kết luận chưa đủ cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính là chưa phù hợp. BQT chung cư đã gửi văn bản báo cáo sự việc đồng thời cung cấp hồ sơ mua bán nhà cho Sở Xây dựng, do đó sở Xây dựng chỉ cần mời Chủ đầu tư và các cư dân đã mua lại những căn này đến làm việc, đồng thời kiểm tra thực tế hiện trường là biết ngay chứng cứ của BQT cung cấp đúng hay sai, nếu có căn cứ chứng minh Chủ đầu tư đã vi phạm thì phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, buộc đơn vị này phải khôi phục lại hiện trạng như ban đầu và sử dụng nhà để xe theo đúng mục đích đã phê duyệt.

Với hành vi  tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, căn cứ khoản 5, điều 35, Nghị định 99/2015/NĐ- CP hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Xây dựng 2014 và theo điểm a, khoản 4, điều 67, Nghị Định 16/2022, phải bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 260.000.000-300.000.000 đồng. Ngoài ra chủ đầu tư còn bị buộc phải khắc phục hậu quả theo điểm t, khoản 5, điều 67, Nghị Định 16/2022  “t.Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

Về tiến độ dự án, luật sư Nguyễn Đăng Tư cho rằng, trong kết luận thanh tra số 938/KL-TTr ngày 04/10/2018 của Thanh tra Tỉnh Thừa Thiên Huế thì dự án “Khu chung cư Xuân Phú” đến nay đã quá hạn thực hiện dự án. Việc chậm thực hiện dự án, cụ thể là chậm triển khai xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cư dân. Do đó, để đôn đốc chủ đầu tư, sở Xây Dựng cần phải tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có biện pháp cứng rắn để bảo vệ quyền lợi của cư dân cũng như yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật. Việc cơ quan chức nănng chỉ kết luận mà không có chế tài nào buộc chủ đầu tư phải xây dựng nhà cộng đồng theo tôi là chưa làm hết trách nhiệm. Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 58, Nghị định 16/2022 thì trường hợp chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì sẽ bị phạt tiền từ 400 triệu đến 600 triệu đồng.

Sau nhiều lần ban quản trị (BQT) chung cư Xuân Phú gửi văn bản kiến nghị xử lý sai phạm của chủ đầu tư chung cư Xuân Phú đến các các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng không được giải quyết dứt điểm, BQT chung cư Xuân Phú tiếp tục gửi văn bản đến Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn giải quyết sai phạm của chủ đầu tư chung cư Xuân Phú.

anh-8-1692243835.jpg
Văn bản của Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 09/03/2023, Bộ Xây dựng đã có công văn số 863/BXD-QLN gửi đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và BQT chung cư Xuân Phú, theo đó Bộ Xây dựng trả lời như sau: “Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây Dựng nhận thấy các nội dung nêu trong đơn của Ban quản trị chung cư Xuân Phú thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết và trả lời công dân theo thẩm quyền…”.

Tuy nhiên, một lần nữa vụ việc Chủ đầu tư xây dựng công trình trên đất sử dụng chung của cư dân và việc Chủ đầu tư tự ý xây dựng thêm nhà vệ sinh trong nhà xe thuộc sở hữu chung của cư dân để bán cho người khác làm mục đích để ở được Sở Xây dựng trả lời không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nguyễn Trí Đảm