Giá trị vốn hóa thị trường của Apple tiến sát mốc 3.000 tỷ USD

Quỳnh Giang

14/12/2021 13:43

Hiện Apple là một trong những công ty có giá trị cao trong thị trường, cho thấy sự thống trị của công nghệ Mỹ trên thế giới cũng như sự tin tưởng của các nhà đầu tư dành cho hãng công nghệ này.

apple-1639463888.jpg
Ttrong thập kỷ qua, Giám đốc điều hành Tim Cook đã giúp đưa giá cổ phiếu của Apple tăng hơn 1.400%.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu của Apple là 175,74 USD, với mức giá này giá trị vốn hóa thị trường của Apple Inc đã tiến sát mốc 3.000 tỷ USD, đưa “trái táo cắn dở”  trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của Apple, trong khi người tiêu dùng vẫn sẵn sàng “rút hầu bao” để mua các sản phẩm của Apple, trong đó có iPhone, MacBook cùng việc sử dụng các dịch vụ Apple TV và Apple Music.

Thời gian để nhà sản xuất iPhone nổi tiếng thế giới đưa giá trị vốn hóa thị trường từ mốc 2.000 tỷ USD lên gần mốc 3.000 tỷ USD mất vỏn vẹn khoảng 16 tháng, dẫn đầu nhóm các công ty công nghệ có vốn hóa siêu lớn, trong đó có Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google và Amazon.com Inc.

Trước đó, Apple phải mất tới 2 năm để đưa giá trị vốn hóa thị trường từ mốc 1.000 tỷ USD lên 2.000 tỷ USD.

Theo giới chuyên gia, hiện Apple là một trong những công ty có giá trị cao trong thị trường, cho thấy sự thống trị của công nghệ Mỹ trên thế giới cũng như sự tin tưởng của các nhà đầu tư dành cho hãng công nghệ này.

Nhà phân tích Edward Moya của OANDA khẳng định việc đạt được 3.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường sẽ là một cột mốc quan trọng khác của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook - người đã tiếp quản hãng công nghệ sau khi ông Steve Jobs từ chức vào năm 2011, đưa hãng mở rộng sang các sản phẩm và thị trường mới.

Theo ông Moya, trong thập kỷ qua, Giám đốc điều hành Tim Cook đã giúp đưa giá cổ phiếu của Apple tăng hơn 1.400%.

Tờ The Information mới đây cũng tiết lộ Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã "bí mật" ký một thỏa thuận trị giá hơn 275 tỉ USD với các quan chức Trung Quốc, hứa hẹn Apple sẽ giúp phát triển nền kinh tế và năng lực công nghệ của đất nước này.

Theo đó đích thân Tim Cook đã ký thỏa thuận 5 năm với chính phủ Trung Quốc trong một loạt chuyến thăm trực tiếp tới đất nước này vào năm 2016. Sự cần thiết phải thúc đẩy một liên minh chặt chẽ hơn với chính phủ Trung Quốc được cho là đến từ một số giám đốc điều hành của Apple, những người lo ngại về dư luận xấu ở Trung Quốc và mối quan hệ không tốt của công ty với các quan chức Trung Quốc - những người tin rằng Apple không đóng góp đủ cho nền kinh tế địa phương.

Các tài liệu được công bố cho thấy Tim Cook đã đích thân vận động các quan chức ở Trung Quốc về các mối đe dọa chống lại Apple Pay, iCloud và App Store. Tim Cook đã sử dụng một "biên bản ghi nhớ" giữa Apple và một cơ quan quyền lực của chính phủ Trung Quốc có tên Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia để chính thức đồng ý với một số nhượng bộ đổi lại các miễn trừ theo quy định. Thỏa thuận dài 1.250 từ được viết bởi nhóm phụ trách chính phủ của Apple tại Trung Quốc và được ông Cook thông qua.

Thỏa thuận bao gồm cam kết từ Apple sẽ giúp các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển công nghệ sản xuất tiên tiến nhất, hỗ trợ đào tạo nhân tài chất lượng cao, sử dụng nhiều linh kiện hơn từ các nhà cung cấp trong nước, ký kết thỏa thuận với các công ty phần mềm nội địa, hợp tác nghiên cứu tại các trường đại học, đầu tư trực tiếp vào các công ty công nghệ, cũng như hỗ trợ các cơ quan chính phủ Trung Quốc.

Động thái của Apple diễn ra sau khi Trung Quốc giới hạn các công ty và dịch vụ nước ngoài trên thị trường di động năm 2016. iPhone, iPad, Apple Pay, iCloud và App Store được cho là nằm trong tầm ngắm. Thực tế, theo Telegraph, doanh số sản phẩm Apple khi đó đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đã hồi phục vào năm 2016.

Apple chưa đưa ra bình luận.

Quỳnh Giang