Gánh nhiều khoản nợ xấu, lỗ lũy kế gần 3.555 tỷ qua nhiều đời Chủ tịch, Viettel Global đem tiền đầu tư ra nước ngoài có thực sự hiệu quả?

Hoàng Bảo Minh Anh

12/03/2024 16:01

Doanh thu “khủng”, liên tục phá kỷ lục nhưng lợi nhuận lại thất thường và không hề tương xứng với quy mô. Các thị trường nước ngoài cũng tồn tại nhiều vấn đề khiến Viettel Global phải “đau đầu”.

Doanh thu trồi sụt, lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, gánh nhiều khoản nợ xấu

Với quy mô vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ cùng giá trị vốn hoá 80.000 tỷ đồng, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã VGI) là một trong những thành viên đáng chú ý của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, đơn vị phụ trách mảng đầu tư ra nước ngoài của Viettel lại kinh doanh không mấy khởi sắc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt 7.563 tỷ đồng tăng 25,42% so với cùng kỳ 2022 và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động. Sau khi trừ chi phí, Viettel Global lãi trước thuế 1.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 700 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần đạt 28.192 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 4% so với năm trước, xuống mức 1.485 tỷ đồng. Dù có lãi trong năm qua nhưng tổng công ty vẫn còn lỗ lũy kế đến gần 3.555 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2023.

Khoản lỗ lũy kế lớn của Viettel Global chủ yếu phát sinh trong giai đoạn 2016-2019, dưới thời Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ông Lê Đăng Dũng (sinh năm 1959). Từ tháng 8/2018, ông Đỗ Mạnh Hùng (sinh năm 1973) được bổ nhiệm điều hành tổng công ty nhưng ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT.

Thực tế, câu chuyện lợi nhuận của Viettel Global “nhảy múa” theo tỷ giá không còn xa lạ với giới đầu tư. Doanh nghiệp này từng có nhiều quý tưởng chừng sẽ lãi lớn nhưng lại gây bất ngờ lỗ và ngược lại do chênh lệch tỷ giá. Đây là nguyên nhân khiến doanh thu liên tục lập kỷ lục nhưng lợi nhuận lại trồi sụt thất thường.

bctc-hop-nhat-quy-iv-pld-1709649992.jpg
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023 – Viettel Global

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Viettel Global ở mức 53.371 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong  đó, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lên đến hơn 23.000 tỷ đồng, chiểm 43%. Bên cạnh đó, tổng công ty có các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 10.944 tỷ đồng, giảm 25% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, khoản dự phòng lại tăng gấp rưỡi lên hơn 14.000 tỷ đồng. 

Theo thuyết minh tại BCTC Quý IV/2023 của Viettel Global, giá trị dự phòng tăng vọt có nguyên nhân từ việc khối nợ xấu, các khoản dự phòng được xác định trên cơ sở ước tính của Ban Tổng Giám đốc về các khoản chi phí cần thiết để thanh toán nghĩa vụ nợ này tại ngày kết thúc kỳ kết toán. Tính đến hết năm 2023 lên đến hơn 18.800 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, giá trị có thể thu hồi chỉ là hơn 4.700 tỷ đồng (tương đương 25% giá gốc).

bang-tong-hop-ket-qua-kinh-doanh-cua-viettel-global-pld-1709649993.png
Bảng tổng hợp kết quả kinh doanh của Viettel Global. Nguồn: BCTC hợp nhất 2013 – 12/2023.

Viettel Global tiếp tục lỗ thêm hơn 500 tỷ đồng năm 2019 trước khi có lãi trở lại từ năm 2020. Đến năm 2022, doanh nghiệp lãi lớn hơn 1.500 tỷ đồng, gấp gần 05 lần năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2017. Tổng công ty cũng có thay đổi lớn trên thượng tầng khi công Phùng Văn Cường được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Đạt, người sẽ đảm nhiệm vị trí mới tại Viettel.

Trong quá khứ, Viettel Global từng có không ít lãnh đạo được cất nhắc lên các vị trí trên tập đoàn mẹ sau thời gian công tác ở tổng công ty. Cái tên đáng chú ý nhất là ông Tào Đức Thắng (sinh năm 1973), Chủ tịch Tập đoàn Viettel hiện nay. Ông Thắng cũng từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Viettel Global từ tháng 05/2014 đến tháng 06/2015 tuy nhiên không để lại nhiều dấu ấn.

Thậm chí, kết quả kinh doanh của Viettel Global lại có phần bết bái so với giai đoạn trước. Trong cả 2 quý đầu năm 2015, Tổng công ty đều thua lỗ với tổng số lỗ gần 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2 năm 2013 và 2014 trước đó, Viettel Global đều lãi lớn với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.568 tỷ đồng và 2.318 tỷ đồng.

Vì sao Viettel Global thu hẹp thị trường nước ngoài?

Viettel Global thành lập từ tháng 10/2007 với mục tiêu chính là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô thị trường chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu. Tổng công ty hiện là công ty con của Viettel với tỷ lệ sở hữu lên đến 99%. Tuy nhiên, những kết quả thu về khiến giới phân tích đặt dấu hỏi về hiệu quả đầu tư của tổng công ty.

Tháng 11 năm ngoái, HĐQT Viettel Global đã thông qua chủ trương giải thể văn phòng đại diện của VGI tại Myanmar trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật tại Myanmar và các vấn đề, thủ tục liến quan đến việc giải thể văn phòng.

bao-cao-thuong-nien-2022-pld-1709649993.jpg
Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 – Viettel Global

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Ban Tổng Giám đốc Viettel Global đánh giá tình hình chính trị bất ổn và phức tạp đang gia tăng tại Myanmar sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty Telecom International Myanmar (Mytel) của VGI đang hoạt động tại thị trường Myanmar. Do chưa thể xác định được giá trị thu hồi khoản đầu tư nên đã thận trọng trích lập tổn thất đầu tư vào công ty này.

Cụ thể, Viettel Global đã trích lập số tiền hơn 3.000 tỷ đồng trên cơ sở so sánh kết quả kinh doanh thực tế đến ngày 31/12/2022 và kế hoạch tài chính ban đầu của dự án. Ngoài Mytel, kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản phải thu liên quan đến Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) với tổng số tiền gần 8.500 tỷ đồng. Đến nay, Viettel Global đã trích lập dự phòng số tiền gần 7.000 tỷ đồng.

Do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu VGI bị HNX đưa vào diện cảnh báo từ ngày 10/04/2023. Viettel Global cho biết đang tích cực giải quyết triệt để các bất đồng với đối tác kinh doanh VCR cũng như đã báo cáo tình hình đầu tư và vướng mắc của dự án liên doanh với Chính phủ Việt Nam và giải thích rằng các vấn đề tồn tại hiện nay khó giải quyết ngay trong ngắn hạn.

Hoàng Bảo Minh Anh