Hãng bán lẻ thời trang Forever 21 đến từ California vừa cho biết sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản cùng với thông báo ngừng hoạt động tại hơn 40 quốc gia ngoài lãnh thổ Mỹ bao gồm Canada và Nhật Bản.
Với các sản phẩm có giá chỉ 5 USD tại các cửa hàng nhộn nhịp, Forever 21 đã là một đế chế thời trang nhanh, phổ biến trên khắp nước Mỹ và thị trường thế giới.
Forever 21 cho biết sẽ vẫn duy trì hoạt động của trang web và một số cửa hàng tại Mỹ, Mexico và khu vực Mỹ Latin. “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm quay trở lại lĩnh vực hoạt động chính của mình,” Linda Chang, phó giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng thời trang trả lời tờ New York Times. Bố mẹ bà Chang, Do Won và Jin Sook Chang, hiện vẫn nắm vai trò điều hành trong công ty, đã thành lập Forever 21 vào những năm 1980 sau khi di cư đến California, Mỹ từ Hàn Quốc.
Sự phá sản của Forever 21 cho thấy bức tranh bán lẻ thời trang đang thay đổi nhanh chóng ra sao. Vào đầu những năm 2000, Forever 21 nở rộ khi đi đầu trong xu hướng tạo ra những sản phẩm quần áo hợp thời trang và giá rẻ. Công ty này đã cùng với những thương hiệu tương tự như H&M và Zara tạo ra thị trường của những sản phẩm “thời trang nhanh” hấp dẫn người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là đối tượng khách hàng nữ, khi luôn cho họ nhìn thấy những sản phẩm mới toanh sau thời gian rất ngắn. Nhưng việc mở rộng quá nhanh quá vội của công ty đã chịu thiệt hại nặng nề bởi sự phát triển của công nghệ.
“Trong chưa đầy 6 năm chúng tôi đã mở rộng kinh doanh từ 7 đến 47 quốc gia. Điều này gây ra phức tạp lớn,” bà Chang bình luận. “Cùng lúc đó, ngành bán lẻ lại thay đổi rõ rệt, người ta bắt đầu ít lui tới các cửa hàng trong những trung tâm thương mại hơn để mua hàng trên mạng.”
Forever 21 cho biết doanh thu của họ trong năm 2018 là 3,3 tỉ USD, giảm so với mức 4,4 tỉ USD năm 2016. Công ty cũng giảm nhân viên từ 43.000 của năm 2016 xuống còn 32.800 người trong năm 2018. Riêng doanh thu từ kênh bán hàng online, theo công ty, chiếm 16% tổng doanh thu.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2012 với tờ New York Times, bà Chang giải thích cho cái tên Forever 21 nghĩa là “người già thì muốn được quay lại tuổi 21, còn người trẻ thì muốn mình mãi mãi tuổi 21.” Theo bà Chang, những cuộc nghiên cứu khách hàng cho thấy 40% người mua của Forever 21 nằm trong độ tuổi 25-40. Cũng trong bài phỏng vấn vào năm 2012 này, bà cho biết công ty sẽ luôn tìm cách để đặt giá bán sản phẩm dưới mức 50 đôla Mỹ.
Trong những năm trước suy thoái, Forever 21 đã ồ ạt mở các cửa hàng – đó cũng chính là phương tiện tiếp thị chính của công ty. Hãng có tham vọng bán hàng đáp ứng nhu cầu của một gia đình, trong khi khách hàng chính của Forever 21 là phụ nữ tuổi teen và xung quanh 20 tuổi. Với chủ trương này, Forever 21 đã mở các cửa hàng flagship tại các thành phố lớn, bao gồm một cửa hàng tại Quảng trường Thời đại vào năm 2010 với diện tích 90.000 feet vuông và bốn tầng.
Forever 21 đã không thanh toán tiền thuê cửa hàng trong tháng Chín vừa qua trong nỗ lực bảo toàn vốn. Ông Jon Goulding, một giám đốc điều hành của công ty tư vấn Alvarez & Marsal, người sẽ trở thành giám đốc tái cấu trúc của Forever 21 cho biết họ có thể tái đàm phán các hợp đồng thuê cửa hàng tại Mỹ sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Ngành công nghiệp thời trang nhanh đang vấp phải sự phản đối xung quanh tác động môi trường của loại quần áo này, đồng thời với những lo ngại về an toàn lao động đặc biệt sau vụ tai nạn tại Bangladesh năm 2013 đã khiến hơn 1.100 công nhân may thiệt mạng.
Wendy Liebmann, giám đốc điều hành của công ty tư vấn WSL Strategic Retail cho biết, những người mua sắm trẻ tuổi đã ngày càng chuyển sang hàng hóa ký gửi (là quần áo cũ được bán lại với mức giá thấp) và các thương hiệu tuyên bố sự bền vững là một giá trị.
Trong khi nhanh chóng thiết kế các mẫu mới phục vụ nhu cầu khách hàng, Forever 21 cũng vấp phải các vụ kiện về bản quyền và thương hiệu, mới đây nhất là việc ca sĩ Ariana Grande lên tiếng cho biết Forever 21 đã sử dụng hình ảnh của cô để quảng cáo mà không xin phép.
Forever 21 không phải cái tên duy nhất gặp khó khăn trong một thị trường bán lẻ thời trang đang thay đổi chóng mặt. Trước đó không lâu, chuỗi bán lẻ quần áo phân khúc cao cấp Barneys New York cũng thông báo nộp đơn phá sản và phải đóng cửa phần lớn trong 22 cửa hàng tại Mỹ. H&M đến từ Thụy Điển cũng đối mặt với lợi nhuận giảm trong suốt bốn năm tài khóa vừa qua.
Theo The New York Times