Được lợi nhờ COVID-19

minhtam

08/10/2020 08:22

Chưa từng có một sự kiện riêng lẻ nào thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ như đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tương lai không tiền mặt không phải không có rủi ro.

Nếu là một ngày Chủ Nhật bình thường ở Pháp, trong số những người mua sắm tại tiệm phô mai La Fromagerie, một nửa sẽ móc túi để lôi ra những tờ tiền giấy và bạc lẻ.

Nhưng trong thời COVID-19, tiền mặt không còn được ưa chuộng, khi các yêu cầu về giãn cách xã hội và lo ngại về vệ sinh thúc đẩy gần như tất cả mọi người trả tiền bằng thẻ.

“Người ta dùng thẻ và các biện pháp thanh toán không tiếp xúc vì không muốn chạm vào bất cứ thứ gì”, ông Cornu, chủ cửa hàng La Fromagerie nói, khi một dòng những người mua hàng đeo khẩu trang đứng cách nhau ba bước chân trước khi đến gần quầy thanh toán và huơ thẻ trên máy.

Trong khi vẫn chấp nhận tiền mặt, thậm chí cả những khách hàng lớn tuổi – những người khó bắt kịp thói quen thời đại số nhất – cũng sẵn sàng thay đổi.

Tiền mặt vốn đã mất dần vị thế ở nhiều nước khi khách hàng thành phố gia tăng trả tiền bằng ứng dụng và thẻ, thậm chí cho những món hàng giá trị thấp. Tuy nhiên, đại dịch đang thúc đẩy sự chuyển dịch về tương lai không tiền mặt, khiến người bán hàng phải tính toán cách thức mới và làm phong phú thêm ngành thanh toán số.

Nỗi sợ hãi bệnh truyền nhiễm đã và đang thúc đẩy người tiêu dùng nghĩ lại cách họ mua sắm và trả tiền. Các nhà bán lẻ và nhà hàng ưa chuộng thanh toán không tiền mặt để giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên. Ngân hàng trung ương Trung Quốc khử trùng tiền giấy ở các khu vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Và chính phủ các nước từ Ấn Độ, Kenya đến Thụy Điển, cũng như Liên Hợp Quốc, đều khuyến khích thanh toán không tiền mặt vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.

“Đã đến lúc phải bỏ xu dùng thẻ - tốt hơn cho việc ngăn chặn virus”, Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ tài chính của Ủy ban châu  u EU, viết trên Twitter khi châu  u áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Tiền mặt dĩ nhiên không mất đi. Trước đại dịch, tiền giấy và xu được sử dụng trong 80% giao dịch ở châu  u (theo báo cáo nghiên cứu của ECB năm 2016), và không nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch sắp loại bỏ thói quen này.

Tuy nhiên, do số người lo ngại nhiễm COVID-19 gia tăng, thói quen thanh toán bằng tiền mặt đang mất dần.

“Chúng ta đang sống qua một thử nghiệm xã hội toàn cầu thú vị, khiến các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh và chuẩn mực tương tác xã hội”, theo ông Morten Jorgensen, giám đốc công ty tư vấn RBR chuyên về công nghệ ngân hàng, thẻ và thanh toán. “Chúng ta có một thế giới ít tiếp xúc hơn”, ông nói. “Thói quen của người dân đang biến đổi ngay khi chúng ta nói chuyện”.

Những người được lợi

Các thay đổi trong hành vi người dùng đang tạo ra thời khắc vàng cho các công ty thẻ tín dụng, ngân hàng và nền tảng số, những công ty tận dụng khủng hoảng này để thúc đẩy chuyển biến thanh toán không tiền mặt bằng cách khuyến khích người tiêu dùng và nhà bán lẻ sử dụng thẻ và ứng dụng trên điện thoại di động và thu về lượng phí lớn. Chỉ riêng ở Anh, các nhà bán lẻ trả 1,7 tỉ USD phí cho bên thứ ba năm 2018, tăng 87 triệu USD so với năm trước, theo Tập đoàn Bán lẻ Anh (British Retail Consortium).

Tình hình cũng khả quan cho các công ty dịch vụ thanh toán và chuyển tiền như Paypal (cổ phiếu lên khoảng 55% năm nay) và Adyen (tăng 72%), cũng như các công ty phân tích dữ liệu và chống lừa đảo, và các cửa hàng cho phép thanh toán qua thẻ.
Thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt là sự gia tăng mua sắm trực tuyến khi người tiêu dùng buộc phải ở nhà. Ở Mỹ, 40 triệu khách hàng lên mạng mua thực phẩm ở tháng Tư. Ở Ý, nơi tiền mặt là trên hết, lượng giao dịch thương mại điện tử tăng hơn 80% (theo nghiên cứu của McKinsey).

Những nhà phát hành thẻ tín dụng giữ động lực tăng trưởng bằng cách làm việc với các ngân hàng và chính phủ để tăng mức trần thanh toán không tiếp xúc, cho phép người mua tránh chạm vào bàn phím.

Mức giới hạn thấp nhất là 20 EUR, ban đầu với mục đích chống trộm khỏi mua số lượng lớn bằng thẻ đánh cắp hoặc hack được, được tăng lên đến 50 EUR hoặc hơn ở Pháp và những nước khác trong thời kỳ phong tỏa, thu hút khách hàng gia tăng số lượng và giá trị mua sắm.
Ở cửa hàng La Fromagerie, mọi người bắt đầu mua phô mai với giá trị trung bình 35 EUR sau khi giới hạn thanh toán không chạm được nâng lên, so với mức khoảng 10 EUR trước đây. Những người lớn tuổi vẫn muốn dùng tiền mặt vì sợ thẻ bị đánh cắp hoặc bị hack bắt đầu sử dụng hình thức chạm để trả khi mua chỉ một hoặc hai món hàng.

“Sự thực là các ngân hàng và công ty thẻ thúc đẩy được hình thức thanh toán như vậy trong thời kỳ hạn chế tiếp xúc, và dựa trên ý tưởng là thậm chí không cần phải chạm vào máy, khiến người dân chấp nhận”, ông Cornu cho biết.

Công ty phát hành thẻ Visa báo cáo gia tăng thanh toán không tiếp xúc cho các mặt hàng cơ bản ở Anh sau khi các giới hạn được gỡ bỏ, mức tăng là 100% so với năm trước ở Mỹ. Visa cho biết đã làm việc với chính phủ các nước Hy Lạp, Ireland, Malta, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng mức trần thanh toán không tiếp xúc ở các nước này.

Các công ty phát hành thẻ không tiết lộ doanh thu, nhưng ông Jorgensen tại RBR nói rằng họ có thể gặt hái lợi nhuận lớn. Năm 2019, Ủy ban châu  u EU quy định giảm mức phí giao dịch ở châu  u còn 0,2 % cho thẻ ghi nợ (debit) và 0,3 % cho thẻ tín dụng (credit) sau cuộc chiến pháp lý với Visa và Mastercard. Nhưng số lần quẹt thẻ gia tăng giúp bù lại phần giảm phí giao dịch.

Ở L’Entrepôt Saint-Claude, một quán cà phê gần cửa hàng cửa hàng La Fromagerie, ông Emmanuel Mades, chủ cửa hàng cho rằng việc tăng mức thanh toán không tiếp xúc sẽ làm tăng mức phí ông trả cho việc sử dụng thẻ. Vì cửa hàng mở cửa lại từ đầu tháng Sáu, 90% giao dịch trả bằng thẻ, một mức tăng vọt so với ba quý trước khi Pháp thực hiện các biện pháp phong tỏa vào giữa tháng Ba.

Trước đó, ông Mades chi trả khoảng 300 EUR mỗi tháng chi phí dùng thẻ. Với nhiều người chuyển sang thẻ không chạm cho cả các hóa đơn giá trị nhỏ, chi phí cho những chủ cửa hàng như ông có thể “tăng đáng kể”, ông nói.

Không có bằng chứng y khoa nào chứng tỏ virus có thể lây qua tiền mặt. Tuy nhiên, “quan niệm cho rằng tiền mặt có thể phát tán mầm bệnh có thể thay đổi hành vi thanh toán của cả khách hàng và doanh nghiệp”, theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements).

Trong số những người hy vọng lợi nhuận từ khủng hoảng là Tappit, một công ty Anh Quốc cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu và giải pháp thanh toán không tiền mặt như thiết bị đeo tay và ứng dụng kết nối với thẻ tín dụng để sử dụng ở các sự kiện đông người như lễ hội, trận đấu bóng, v.v.

Tappit, công ty quảng bá chiến dịch “Không còn tiền bẩn”, đã thu hút được nhiều nhà tổ chức giải đấu thể thao, nhà hàng, khách sạn đang muốn phục hồi kinh doanh nhanh chóng sau phong tỏa.

“Một số đối tác hơi e dè với việc chuyển sang thanh toán không tiền mặt giờ đã quyết định đây chính là cơ hội thực hiện điều này”, ông Jason Thomas, CEO của Tappit cho biết, lưu ý rằng công nghệ này cũng cho phép thanh toán nhanh hơn và khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn.

Chỉ trong vòng hai tháng, Tappit ký được hợp đồng mới trị giá 20 triệu EUR, nhiều hơn bất kỳ thời kỳ nào. “Đây là các hợp đồng dài hạn giữa năm và mười năm”, ông Thomas cho biết. “Điều này cho biết những doanh nghiệp này không bao giờ quay lại tiền mặt”.

Rủi ro tiềm tàng

Các nhà chức trách quản lý hệ thống tiền tệ thế giới cho biết có đầy rẫy nguy hiểm khi thế giới không còn tiền mặt. Ở nước đẩy mạnh công nghệ như Thụy Điển, tiền mặt biến mất nhanh chóng đến nỗi Quốc hội và ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giữ lưu thông tiền giấy và tiền xu trong khi tìm hiểu về một tương lai hoàn toàn không có tiền mặt.

 Ảnh 2: Những người ít cơ hội tiếp cận với các giải pháp thanh toán điện tử sẽ chịu tổn thương trước hết. Ảnh: Jack Young
Những người ít cơ hội tiếp cận với các giải pháp thanh toán điện tử sẽ chịu tổn thương trước hết. Ảnh: Jack Young

Cảnh báo đầu tiên là nhóm người dễ tổn thương có nguy cơ bị gạt bên lề. Nhiều người thu nhập thấp hoặc nghỉ hưu, cũng như một số người nhập cư và khuyết tật, có ít hoặc không có khả năng tiếp cận thanh toán điện tử càng ngày càng khó khăn khi ngân hàng cắt giảm số cây ATM và dịch vụ khách hàng.

Các ngân hàng trung ương đang xem xét liệu tiền điện tử có thể thay thế tiền mặt. Ngân hàng Riksbank Thụy Điển đang thử nghiệm đồng krona điện tử, hay còn gọi là e-krona.

“Trong một số nền kinh tế nhất định, tiền mặt vẫn có vai trò của tiền mặt, vì tiền mặt tiếp tục đem lại ích lợi và công dụng”, theo John Velissarios, công ty Accenture giúp quản lý thử nghiệm của Riksbank.

Trong khi đồng euro và đôla ảo vẫn cần một thời gian dài nữa mới có thể áp dụng, thay đổi trong thái độ với tiền mặt do COVID-19 khó có thể đảo ngược. “Tiền mặt sẽ không biến mất, nhưng việc sử dụng tiền mặt sẽ tiếp tục suy giảm”, theo ông Jorgensen.

Tại các thành phố lớn của Việt Nam, hình ảnh nhân viên trực tiếp đi thu tiền điện, nước hàng tháng rõ ràng đã không còn nhiều như những năm về trước. Các hộ gia đình chỉ nhận thông báo qua tin nhắn và có thể tùy chọn nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng, các ví điện tử hoặc đến quẹt thẻ tại các đại lý thanh toán có trang bị máy POS tại các cửa hàng tiện lợi. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân càng nhận thấy sự tiện lợi khi chọn thanh toán điện tử.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cung cấp tại Diễn đàn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra ngày 26/8 tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đạt giá trị giao dịch xấp xỉ 50 triệu tỉ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty thanh toán điện tử Visa cũng cho biết, giá trị giao dịch bằng phương thức không chạm của hãng này trong sáu tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam tăng kỷ lục hơn 500% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo The New York Times
(tiêu đề do BBT Tạp chí Nhà Quản Lý đặt)

minhtam
Bạn đang đọc bài viết "Được lợi nhờ COVID-19" tại chuyên mục Khoa học quản lý.