Động lực mới cho chuỗi cung ứng Việt Nam

dang.pham

14/09/2020 17:23

Hơn cả việc bỏ thuế nhập khẩu, Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực sẽ tạo động lực cho chuỗi cung ứng trong thời gian tới

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn còn suy thoái, Hiệp Định Thương Mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được chờ đợi từ lâu đã chính thức có hiệu lực vào tháng 8.2020. Một chút hy vọng trong những thời điểm đen tối này, Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong những năm tới.

Tất cả các FTA đều nhằm tạo thuận lợi cho thương mại tự do, công bằng, dựa trên luật lệ và hỗ trợ lộ trình phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA là hiệp định thương mại, đầu tư toàn diện, và đầy tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển ở châu Á. Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường tiềm năng khoảng 446 triệu dân và tổng GDP là 14 nghìn tỉ USD.

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư từ EU sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận một trong những quốc gia lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đây là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu chưa từng có đối với một quốc gia như Việt Nam, thể hiện được khát vọng hội nhập sâu rộng hơn và quan hệ thương mại với EU.

Thật sự xóa bỏ thuế nhập khẩu

Khi đề cập đến một hiệp định FTA, sự chú ý đầu tiên là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Đó thực sự là kết quả thiết thực và rõ ràng nhất của những thỏa thuận như vậy. EVFTA không phải là ngoại lệ và trong vòng bảy năm tới, gần như tất cả các loại thuế hải quan - trên 99% số dòng thuế - sẽ được xóa bỏ.

Việt Nam và EU được coi là hai thị trường hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Nói cách khác, Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được (chẳng hạn như các sản phẩm thủy sản và trái cây nhiệt đới) trong khi các sản phẩm nhập khẩu từ EU cũng là những mặt hàng mà Việt Nam chưa sản xuất được trong nước, bao gồm máy móc, máy bay và dược phẩm chất lượng cao.

Trong khi các công ty EU sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc loại bỏ thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải điều hướng giữa các khung thuế quan ưu đãi khác nhau trong một thời gian. Thuế quan của EU đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được áp dụng theo Chương trình ưu đãi chung (GSP), trong đó đã xóa bỏ một phần hoặc toàn bộ thuế hải quan đối với 2/3 số dòng thuế - dệt may, giày dép, thủy sản, thiết bị điện tử và các loại khác. Do đó, các lợi ích về thuế quan mà FTA này mang lại sẽ phải được điều hòa với các lợi ích của  chương trình ưu đãi chung (GSP). Các công ty thương mại sẽ phải tuân thủ cả hai khuôn khổ cho đến khi phổ biến thương mại tự do vào năm 2027.

Tuy nhiên, trong khi ý tưởng về thuế quan bằng 0 rất thú vị, quá trình chuyển đổi hứa hẹn sẽ rất phức tạp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tìm cách để đạt được các yêu cầu hành chính mới (các yêu cầu về biểu mẫu và thủ tục giấy tờ đều khác nhau đối với GSP và EVFTA) sẽ đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp không được trang bị các cố vấn pháp lý và thuế - chưa kể đến thực tế là nhà xuất khẩu cũng sẽ phải tuân thủ các quy định và điều kiện khác nhau theo các hiệp định thương mại quan trọng khác mà Việt Nam đã cam kết, chẳng hạn như Hiệp định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vì vậy, lợi thế ròng có thể không lớn đối với các công ty Việt Nam theo GSP so với các công ty EU ban đầu không được ưu đãi tiếp cận thị trường nội địa. Từ quan điểm của EU, FTA cũng là một cách để giảm thâm hụt thương mại lớn mà Việt Nam đang tận hưởng trong nhiều thập kỷ (23,3 tỉ € - tương đương 27,67 tỉ USD vào năm 2019). Dự kiến ​​sẽ có thêm nhập khẩu từ EU vào Việt Nam. Việc cắt giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ thu hút các công ty mới của EU vào thị trường Việt Nam, từ đó mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng Việt Nam nhưng cũng thúc đẩy các khoản đầu tư vốn đáng kể. Điều này sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng địa phương và phát triển việc làm trong các lĩnh vực mà Việt Nam vẫn cần bắt kịp: năng lượng bền vững, hệ thống thông tin, hậu cần, chuỗi cung ứng lạnh, sản xuất công nghệ cao và tái chế, v.v. Đó là nơi mà nguồn vốn của EU có thể hỗ trợ tăng cường khả năng phát triển công nghiệp của đất nước.

Về nguyên tắc, lợi ích đôi bên là cốt lõi của thỏa thuận và chúng ta cần kỳ vọng việc gia tăng cạnh tranh đáng kể cho các công ty địa phương với những công ty vững chắc, trưởng thành và sáng tạo khi EU tham gia thị trường. Các công ty nội địa sẽ có hai sự lựa chọn: cạnh tranh hoặc đối tác. Trong cả hai trường hợp, kết quả của nền kinh tế trong nước sẽ tích cực.

Hơn cả thuế nhập khẩu

Tất nhiên, EVFTA sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thỏa thuận này còn vượt xa việc tự do hóa thuế quan: điều có thể có lợi nhất cho Việt Nam về lâu dài nằm trong các nguyên tắc và điều kiện mà hai bên cùng cam kết.

Hiệp định thương mại này bao gồm các tiêu chuẩn quy định, quy chuẩn và các quy tắc về sức khỏe và an toàn, đầu tư, ngân hàng và tài chính, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và nhiều chủ đề khác. Phạm vi của nó vượt ra ngoài biên giới quốc gia và tìm kiếm sự hội nhập sâu rộng và bền vững giữa các bên.

Trên thực tế, những yêu cầu khó khăn sẽ mời gọi các công ty tái tạo lại chuỗi cung ứng của họ, nâng cấp tiêu chuẩn, bản sắc và tính minh bạch. Năng lực sản xuất chuyên biệt hơn, cơ sở hạ tầng hậu cần tiên tiến hơn, quy trình tích hợp hơn và nhanh hơn, nông nghiệp bền vững hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn - đây cũng là các điều mà FTA này hướng tới, và không ai có thể phủ nhận lợi ích của những tiến bộ đó đối với Việt Nam.

Ngoài ra, việc nhấn mạnh quy tắc xuất xứ, là một trong những điều kiện cốt lõi để xóa bỏ thuế quan, sẽ có tác động tích cực và sâu sắc đến sự phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trong lĩnh vực sản xuất ngày nay, Việt Nam tỏa sáng nhờ khả năng lắp ráp các sản phẩm (giày dép, hàng may mặc, điện tử, v.v.) với các linh kiện phần lớn phải nhập khẩu từ bên ngoài (chẳng hạn như: dệt may, pin, gỗ và linh kiện điện tử). Quy tắc xuất xứ mời gọi các công ty đầu tư vào tầng sâu hơn của chuỗi cung ứng - nhiều nguyên liệu và linh kiện được sản xuất trong nước để cung cấp cho các nhà máy lắp ráp với các quy mô lớn sẽ được phát triển trong tương lai, cho phép Việt Nam tự chủ hơn và do đó có khả năng phục hồi.

Thái Lan đã vượt ra khỏi phạm vi lắp ráp thuần túy và phát triển thành công cơ sở cung ứng nội địa, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ô tô - khiến nước này vẫn có khả năng cạnh tranh ngay cả khi chi phí lao động tăng. Đây là hướng đi mà hiệp định này sẽ giúp Việt Nam thực hiện chuỗi giá trị nội địa hội nhập hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn, đồng thời cũng tạo ra nhiều việc làm có trình độ cho người lao động tại Việt Nam.

Hơn nữa, thỏa thuận đặt trọng tâm chưa từng có vào tính bền vững. EU cũng sẽ khuyến khích Việt Nam đổi mới hoặc đồng đổi mới để giảm thiểu tác hại đến môi trường của cả sản phẩm và chuỗi cung ứng của họ. Việc giảm sử dụng đồ nhựa, không nên bơm đầy các hóa chất vào rau quả và cá, vận chuyển đường biển nên ưu tiên vận tải hàng không, không nên đối xử tệ với động vật, khuyến khích tái chế và không lãng phí nước. Đó cũng là điều sẽ thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn và bền vững.

EVFTA mang lại nhiều cơ hội mới cho các công ty tại Việt Nam trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho EU. Với tầm quan trọng của thị trường EU đối với hồ sơ xuất khẩu của Việt Nam, những lợi ích mới mà hiệp định này mang lại chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu. Ngoài việc cạnh tranh, Việt Nam nên coi đây là cơ hội để nâng cao năng lực công nghiệp, hướng tới các chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, hội nhập hơn và bền vững hơn.

CEL Consulting

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Động lực mới cho chuỗi cung ứng Việt Nam" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.