Y học cổ truyền Việt Nam từ lâu đã hình thành và phát triển dựa trên triết lý hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, sự tồn tại của một số bài thuốc cổ truyền sử dụng nguyên liệu từ động vật hoang dã đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng, cả về bảo tồn sinh học lẫn sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng đó, một hướng đi mới – Tân phương Đông y – đang được giới chuyên môn xác định là giải pháp bền vững, khoa học và hiện đại để kế thừa tinh hoa cổ truyền mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên.

Tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, hội thảo “Y học cổ truyền và Bảo tồn Động vật hoang dã - Hướng đi từ Dược liệu thay thế” do Viện Y Dược Việt phối hợp cùng Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền và tổ chức phi lợi nhuận Choice đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng chuyên môn. Chương trình quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học cổ truyền, dược học, bảo tồn và cơ quan quản lý nhà nước, cùng nhau thảo luận những giải pháp thay thế hiệu quả cho nguồn dược liệu từ động vật hoang dã.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng các bộ phận từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền không còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ không ngừng gia tăng, nhiều loài quý hiếm như tê tê, hổ, tê giác, gấu... đang bị săn bắt đến bờ vực tuyệt chủng. Số liệu từ các tổ chức bảo tồn cho thấy, chỉ trong vòng 15 năm (2000 - 2014), hơn 1 triệu cá thể tê tê đã bị giết hại để lấy vảy và thịt. Các loài như hổ hay tê giác cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số lượng cá thể ngoài tự nhiên, thậm chí một số loài đang nằm trong nhóm "cực kỳ nguy cấp" theo phân loại của IUCN.
Phát biểu tại hội thảo, ThS.KS Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Huế – cảnh báo rằng: “Việc tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ là hành vi trái pháp luật, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ y tế nghiêm trọng. Các loài động vật hoang dã là nguồn mang mầm bệnh nguy hiểm, và quá trình săn bắt, vận chuyển, sử dụng chúng có thể trở thành nguồn lây lan dịch bệnh sang người.”
Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giới thầy thuốc trong việc dẫn dắt thay đổi: “Các thầy thuốc y học cổ truyền cần đi đầu trong việc từ chối sử dụng nguyên liệu từ động vật hoang dã, đồng thời tuyên truyền để bệnh nhân hiểu đúng và lựa chọn dược liệu thay thế từ thực vật – vừa an toàn cho sức khỏe, vừa bảo vệ thiên nhiên”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Dung – Viện trưởng Viện Y Dược Việt – cho rằng: “Truyền thống sử dụng động vật hoang dã trong y học cổ truyền là kết quả của lịch sử phát triển qua hàng ngàn năm. Tuy nhiên, nhiều quan niệm về công dụng của chúng chưa được khoa học hiện đại kiểm chứng, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe. Đây chính là lúc y học cổ truyền cần một bước chuyển mình mạnh mẽ, có chọn lọc và phù hợp với thời đại”.
Bà Dung nhấn mạnh rằng việc chuyển hướng sang dược liệu có nguồn gốc thực vật không chỉ giúp duy trì hiệu quả điều trị mà còn mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường. “Các loại thảo dược như ngũ vị tử, đỗ trọng, xuyên khung… đều đã được chứng minh lâm sàng về hiệu quả, giá thành hợp lý và dễ trồng trọt, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững”, bà chia sẻ.
Đồng quan điểm, Thầy thuốc Ưu tú, BS.CKI Đặng Thị Phương Thảo – Phó Viện trưởng Viện Y Dược Việt – khẳng định: “Tân phương Đông y là bước tiến quan trọng. Bằng cách phối hợp lý luận y học cổ truyền với nghiên cứu hiện đại về cơ chế hoạt chất trong dược liệu, chúng ta có thể cho ra đời những sản phẩm vừa đảm bảo hiệu quả điều trị, vừa an toàn và thân thiện với môi trường. Đây chính là tương lai của y học cổ truyền trong thế kỷ 21”.
Một điểm nhấn đáng chú ý của hội thảo là sự ra đời của các mạng lưới chuyên gia nhằm thúc đẩy y học cổ truyền thân thiện với môi trường. Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền được thành lập năm 2022 với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế uy tín như TS.BS Yemeng Chen, GS.TS Lixing Lao và bà Lixin Huang. Mục tiêu chính của mạng lưới là nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp bằng chứng khoa học và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ y học cổ truyền phát triển theo hướng bền vững.
Hội thảo lần này không chỉ là nơi trao đổi chuyên môn mà còn là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm xã hội của giới y học. Nó góp phần tạo nên một liên kết chặt chẽ giữa giới chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, cùng nhau hành động vì một nền y học cổ truyền nhân văn, khoa học và không gây tổn hại đến sinh thái.
Có thể thấy, tân phương Đông y không chỉ đơn thuần là sự đổi mới trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm y học cổ truyền. Đó còn là biểu tượng của một nền y học có trách nhiệm – với con người, với môi trường và với tương lai của hành tinh. Khi chúng ta lựa chọn các giải pháp thay thế từ thảo dược, tức là chúng ta đang nói không với sự tận diệt, đồng thời tiếp tục sứ mệnh bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị di sản y học cổ truyền Việt Nam.