Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, diễn đàn là sự kiện quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và đại diện khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nhằm thảo luận, kiến nghị các giải pháp phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.

Hiện nay, cả nước có trên 33.500 HTX hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp - chiếm hơn 64% tổng số HTX, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia. KTTT với nòng cốt là các HTX đang ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả. Một thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, HTX. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, HTX không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc HTX chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 HTX nông nghiệp tại khu vực này.

Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và KTTT (Bộ Tài chính) cho biết, khu vực KTTT nước ta trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về phát triển KTTT trong cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân được nâng lên. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Các HTX đã đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Từ đó, từng bước hình thành các HTX xanh phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực KTTT còn tồn tại, hạn chế. Đó là khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm.
Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ nhỏ lẻ, vốn ít, doanh thu thấp, phạm vi hoạt động hẹp. Vì vậy, các HTX khó có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, lợi nhuận và thu nhập của lao động khu vực KTTT, HTX tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, có nguy cơ tụt hậu xa, giảm khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Do lợi nhuận, thu nhập thấp nên một bộ phận còn có tâm lý đánh đổi môi trường lấy kinh tế theo tư duy “tăng trưởng trước, làm sạch sau”.
Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa phổ biến. Trình độ năng lực của các HTX được nâng lên nhưng còn thấp.
Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX còn hạn chế; việc huy động nguồn lực của HTX còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng được cả về nhu cầu số lượng kinh phí và nội dung chính sách; chưa có gói tín dụng ưu đãi riêng cho KTTT, HTX.
“Để chuyển đổi xanh thành công, cần có một khung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường” - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và KTTT nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể khẳng định, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung và tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao trong tiến trình chuyển đổi xanh, ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động, cam kết quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Qua đó, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, các thành viên, hộ gia đình được tham gia tích cực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Để hướng tới tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, Phó Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, đối với các bộ, ngành, địa phương: (1) tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng vừa quản lý vừa kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức KTTT sản xuất kinh doanh; (2) thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khu vực KTTT; (3) tăng cường thúc đẩy tài chính xanh và thu hút vốn đầu tư quốc tế.
“Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, nhất là các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các dự án đổi mới công nghệ, dự án "xanh" được tiếp cận, vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; nghiên cứu khung tín dụng riêng hỗ trợ HTX chuyển đổi xanh” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam phải phát huy vai trò đại diện nòng cốt, hỗ trợ các tổ chức KTTT trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của khu vực KTTT về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, nhiệm vụ chuyển đổi xanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và hướng dẫn nghiệp vụ cho các quỹ HTX địa phương, nghiên cứu tiếp cận các nguồn tài chính xanh.
Đặc biệt, Phó Thủ tưởng đề nghị Liên minh HTX phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao mở rộng và vươn ra các thị trường quốc tế.
Đối với các tổ chức KTTT, HTX, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động vượt qua những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy, nhận thức và hành động; tăng cường đầu tư vào chuyển đổi xanh, công nghệ xanh và chuyển đổi số.
Đồng thời, phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm cạnh tranh tốt hơn cũng như đáp ứng xu hướng mới của thị trường tiêu dùng; xác định nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi xanh.
Kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng HTX không chỉ dừng lại ở đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị bắt tay ngay vào những việc làm, dự án cụ thể, giúp khu vực KTTT tiếp tục phát triển, bắt kịp, tiến cùng với các thành phần kinh tế khác, tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ tương lai, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng.