Doanh nhân ngành địa ốc: “Năng lực văn hoá” là yếu tố sống còn!

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó Chủ tịch Hanita Master

28/01/2024 07:25

Nhà lãnh đạo ngành kinh doanh địa ốc cần có năng lực là hiển nhiên. Và thực tế là, hầu hết các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh địa ốc đều có năng lực nhất định. Năng lực được hiểu ở rất nhiều phương diện khác nhau như: Năng lực chuyên môn; năng lực quản trị; năng lực tầm nhìn… Nhưng, không phải ai trong số họ cũng có một thứ năng lực “cốt tủy” của một nhà lãnh đạo chính trực: Năng lực văn hóa.

Tư duy con buôn: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn!"

Vừa qua, hai bộ luật quan trọng nhất đối với ngành kinh doanh địa ốc là: Luật đất đai và Luật kinh doanh Bất động sản đã được Quốc Hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025. Hai Bộ Luật này dần trở nên chặt chẽ, kiện toàn và minh bạch hơn. Pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gian dối trong quy hoạch và sử dụng tài nguyên đất, công sản nhà nước… Chủ doanh nghiệp địa ốc sẽ phải thực thi đúng luật hơn mới mong tồn tại bền vững, lâu dài. Mọi hành vi gian đối đều bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật.

Năm 2023 vừa qua, đối với ngành đầu tư và kinh doanh địa ốc là một năm có rất nhiều sự biến động, khôn lường ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thị trường bất động sản. Hàng loạt lãnh đạo cao cấp ở các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… liên tiếp bị bắt tạm giam vì các vụ án liên quan đến đất đai, công sản Nhà nước. Bên cạnh đó, các chủ Tập đoàn/doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản lần lượt “tra tay vào còng” phải kể đến như: Vụ án Công ty Tân Thuận – IPC, Tập đoàn Mường Thanh, LDG, Tân Hiệp Phát…

hau-02-1706400527.jpg
Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó Chủ tịch Hanita Master.

Những cái bắt tay “trong bóng đêm” dần được đưa ra ánh sáng, cái giá phải trả là những ngày tháng dài lê thê bên trong song sắt. Mệnh đề không có thật như: “Phải chi”, “giá như” hay “ước gì” được các Anh, các Chú, các doanh nhân (trước đó) nhắc đến nhiều nhất. Giả sử, các ông chủ doanh nghiệp ngày trước có… năng lực văn hóa thì đâu đến nổi phải trả giá đắt cho những ngày dài còn lại của cuộc đời.

Chủ doanh nghiệp ngành địa ốc có năng lực chuyên môn, năng lực quản trị hay bất kỳ năng lực nào khác nhưng không có năng lực văn hóa đều sẽ sớm bị đào thải ra khỏi thương trường. Năng lực văn hóa không có định nghĩa chính thức, nó bao gồm nhưng không giới hạn: Đạo đức kinh doanh, tri thức và minh định. Trong quyển sách “Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy quản trị khác biệt” sẽ nói rõ hơn về điều này.

Một khi, chủ doanh nghiệp không có năng lực văn hóa, mọi hướng đi đều lệch lạc. Vì lẻ đó, đội ngũ bên dưới dần trở nên hống hách, chuyên quyền và vô tổ chức dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” tại doanh nghiệp, nhân tài sẽ không còn được trọng dụng và nhanh chóng rời bỏ doanh nghiệp…

Đừng chỉ là “ông chủ” hãy là…Nhà lãnh đạo!

Thông thường, hầu hết các chủ doanh nghiệp ngành kinh doanh địa ốc tự cho phép bản thân mình là “vua” tại doanh nghiệp, là “trung tâm vũ trụ” giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp. Hiển nhiên là vậy, luật bất thành văn tại doanh nghiêp cũng cho phép điều này tồn tại và phát triển… Nhưng, liệu với tư duy quản trị ấy nó còn phù hợp trong điều kiện hiện nay? Kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm trước có còn phù hợp để “áp đặt” nhân viên thực thi một cách máy móc, rập khuôn và bất cần phản biện?.

Phải thừa nhận với nhau rằng, “trải nghiệm” đối với chủ doanh nghiệp ngành kinh doanh địa ốc chỉ đơn giản là phải “trả giá” cho những việc đã triển khai trước đó. Có những việc họ sẽ thành công do nhu cầu thị trường và điều kiện thị trường tốt đẹp, hoàn hảo. Nhưng, cũng có rất nhiều những sai lầm phải trả giá “rất đắt”. Họ đúc kết lại gọi là “kinh nghiệm”. Thế nhưng, thị trường luôn có những biến động khôn lường, xuất hiện nhiều vấn đề nan giải, với kinh nghiệm cũ có thể và chắc chắn không giải quyết được bài toán nan giải hiện tại. Nhưng, họ vẫn tin vào bản thân, tin vào bản ngã một cách bất chấp hay cố chấp.

z5112749539191-ad6d7fb21e37127d51655ae45a46bbb7-1706401000.jpg
Ảnh minh hoạ. Ảnh: NQL

Sai lầm lớn nhất của những ông chủ ngành kinh doanh địa ốc là có những tư duy lệch lạc trong quản trị và điều hành. Họ không thể phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm: “Thực chiến” và “thực thi”. Thuật ngữ “thực chiến” trong kinh doanh hoàn toàn không có định nghĩa hay khái niệm cụ thể. Thuật ngữ này được “mượn tạm” trong bộ môn võ thuật đối kháng. Hiểu nôm na, “Thực chiến” trong kinh doanh có nghĩa là đã làm một việc gì đó môi trường thực tế kết hợp với học thuật trên giảng đường đã được đào tạo chính quy, bài bản.

Khái niệm “thực thi” trong kinh doanh nhỏ hẹp hơn…, nhưng có nghĩa là trực tiếp thực hiện một việc gì đó trong phạm vi hẹp, việc làm đó đã được cấp trên định hướng và hoạch định chiến lược cụ thể, nhân viên cấp dưới chỉ cần triển khai theo chỉ dẫn của cấp trên. Trong một vài cuộc phỏng vấn tuyển dụng, chủ doanh nghiệp khẳng định “tôi cần nhân sự thực chiến!” Vậy thì những nhân sự đã từng đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp trong nhiều năm liền không phải là nhân sự “thực chiến”? Hiểu như thế nào cho đúng?

Không ít lần được nghe rất nhiều chủ doanh nghiệp ngành kinh doanh địa ốc ca thán: “Nhân sự nói giỏi, nói hay nhưng khi nhận việc thì họ không làm được việc!”, hiểu một cách “thiển cận” thì những chủ doanh nghiệp này đang trách cứ nhân viên mà không tự trách bản thân mình, ngay từ đầu họ đã sai - Sai lầm khi tuyển dụng…sai người! Sai lầm khi có tư duy của một “ông chủ” đúng nghĩa, hoàn toàn không phải là một lãnh đạo doanh nghiệp xứng tầm…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu – Phó Chủ tịch Hanita Master