Khi doanh nhân đi học: Làm giàu hay “sửa chữa” chính mình?

Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu

26/08/2023 13:02

Khi được hỏi, doanh nhân thế hệ trẻ (dưới 45 tuổi) “đi học để làm gì?” Đa phần sẽ trả lời “học để làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cho quê hương, đất nước”. Họ trả lời không sai, hoài bão của tuổi trẻ như thế là rất đáng trân trọng. Nhưng, hầu như không ai trả lời “Tôi đi học để sửa mình, để làm một phiên bản tốt hơn cho chính mình”.

Thực vậy, khi doanh nhân “sửa mình”, loại bỏ những “thói quen xấu” và tạo nên nét văn hóa tốt cho bản thân và doanh nghiệp thì hoài bão làm giàu cho quê hương, đất nước là không khó và không hề viễn vông, mơ mộng…

Sửa mình để hoà mình, thích nghi và phát triển

Phần lớn chủ doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang điều hành doanh nghiệp theo phong cách lãnh đạo “độc đoán” và “chuyên quyền”. Họ được ví như “trung tâm vũ trụ” tại doanh nghiệp. Họ lạm dụng quyền lực mọi lúc, mọi nơi khi có thể. Chính vì phong cách lãnh đạo này đã triệt tiêu sự sáng tạo của nhân viên, họ không còn không gian phát triển và trực tiếp bị đưa vào tình thế “mất động lực” làm việc. Năng suất làm việc dần trở nên trì trệ và bị động dẫn đến hiệu quả làm việc không như mong muốn.

Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, bản thân chúng ta hiện đang sống trong “thời đại VUCA” (VUCA là từ được ghép từ chữ đầu tiên của 4 từ là Volatility (Sự biến động), Uncertainty (Sự không chắc chắn), Complexity (Độ phức tạp) và Ambiguity (Sự mơ hồ)). Thời đại VUCA có sự biến động không ngừng, bắt buộc chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy quản trị nhằm thích nghi với thời đại mới. Cần lưu ý một điều, chúng ta thường hay “chê trách” thế hệ GenZ (Generation Z) – lực lượng lao động chiếm tỷ lệ đông đảo nhất tại doanh nghiệp hiện nay là một thế hệ của sự ưa thích “đòi hỏi” và luôn sẵn sàng trong tư thế “nhảy việc”. Họ đòi hỏi một môi trường làm việc năng động, được tôn trọng, được cấp trên lắng nghe và được học hỏi thì có gì là sai trái đâu? Là lãnh đạo, bản thân chúng ta đã tạo ra một môi trường làm việc như họ mong muốn chưa, mà quay sang chê trách họ? Lạ thay…!

Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã không gương mẫu trong hành vi và không tạo lập được văn hóa doanh nghiệp đề cao sự “chính trực, công bằng và nhân văn”, thì liệu có cần một giây để ngẫm lại, để soi xét bản thân mình không? Có cần phải “sửa mình” không? Mặc khác, rất nhiều chủ doanh nghiệp phát ngôn trên phương tiện truyền thông rằng: “Nhân tài là xương sống của doanh nghiệp, là tài sản quý giá của doanh nghiệp”, nhưng có được bao nhiêu chủ doanh nghiệp dành một vài phút để đọc và nghiên cứu hồ sơ ứng tuyển của người lao động? Chúng ta đã thực sự nói đi đôi với làm chưa?

z4637255735809-7abe8e34f693d798777a0f40855bea8a-1693028948.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu.

Ngày nay, các lãnh đạo đi học… “làm lãnh đạo” đã không còn gọi là hiếm nữa. Nhưng, liệu họ có thực sự nghiêm túc xem việc học là để “sửa mình” và làm cho bản thân trở nên tốt hơn chưa, thì đó mới là vấn đề cốt lõi. Lưu ý rằng, “Thực học thì mới có thực hành tốt và cũng là yếu tố quan trọng tạo nên một lãnh đạo thực giá trị”. Giá trị của chủ doanh nghiệp không phải là hô hào trên truyền thông với cái mác “doanh nhân” đặt trước cái tên của chính mình, mà nó được thể hiện qua sự tôn trọng của mọi người, đặc biệt là nhân viên trực thuộc chính doanh nghiệp đó. Doanh nhân: Là danh xưng hay danh hiệu?

Vài năm trở lại đây, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang mạng xã hội không ngừng sử dụng hai từ “doanh nhân” để gán ghép vào trước tên của chủ doanh nghiệp. Ví dụ đơn cử như, “doanh nhân” Trịnh Văn Quyết, “doanh nhân” Đỗ Anh Dũng, “doanh nhân” Nguyễn Phương Hằng… Và, dường như những chủ doanh nghiệp ấy không hề có những đính chính gì và đôi khi cũng thích thú với hai chữ “doanh nhân” được đặt trước cái tên thường gọi. Họ đã quá lạm dụng hai từ doanh nhân mà không hiểu chúng là danh hiệu hay danh xưng…

Hai từ “doanh nhân” tại Việt Nam gần như không có một khái niệm chính thức. Vậy nên, không thể nói việc lạm dụng cụm từ này đặt trước cái tên của chủ doanh nghiệp là sai. Thông thường, “doanh nhân” được hiểu như sau: “Ở Việt Nam, doanh nhân là một từ được các phương tiện truyền thông sử dụng để xác định một tầng lớp gắn với thành phần kinh tế tư nhân và chủ nghĩa tư bản xuất hiện từ sau những năm 1990. Họ có một nền tảng kinh tế thành đạt và có những cống hiến nhất định cho xã hội” (theo Wiki Media). Nếu hiểu như thế thì những người làm kinh tế khác “chưa thành đạt, chưa có nhiều tiền” thì vẫn chưa được gọi là doanh nhân.

Ví dụ như, “anh bán rau, chị bán cá, cô bán xôi…” họ cũng làm kinh tế nhưng không được gọi là doanh nhân. Họ có cống hiến cho xã hội không? Có. Hiển nhiên, họ có đóng thuế đầy đủ. Vậy thì hãy soi xét kỹ vấn đề và so sánh lại những vị chủ doanh nghiệp lớn làm phương hại cho xã hội, vi phạm pháp luật, trốn thuế và những “anh bán rau, chị bán cá, cô bán xôi” đang phụng sự xã hội bằng cách cung ứng những sản phẩm có chất lượng cao, không lừa dối khách hàng khi cân hàng đúng và đủ trọng lượng. Nhóm nào được gọi là doanh nhân? Doanh nhân trong trường hợp này là “danh hiệu hay danh xưng”?

z4638378990023-9354ac0e57b7b9cc2fbf7c1e0abeeefd-1693095131.jpg
 

Dưới góc nhìn của Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu trong cuốn sách “Con buôn, Trọc phú và Doanh nhân: Tư duy Quản trị Khác biệt” có đoạn viết như sau: “Doanh nhân là danh hiệu. Đừng tự nhận hay ngộ nhận. Doanh nhân là danh hiệu cao quý chỉ để dành cho những người làm kinh doanh, kinh tế. Họ tử tế, giỏi “phụng sự xã hội” và nhất quán tôn vinh giá trị cao đẹp, cốt lõi của văn hóa kinh doanh với triết lý “Chân – Thiện – Mỹ” trong nền kinh thương trong sạch, trường tồn của quốc gia.” Thực vậy, nền kinh thương tại Việt Nam đang rất thiếu những “doanh nhân” đúng nghĩa…

Thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu