Điểm danh những doanh nghiệp chia cổ tức "khủng" thời sàn đỏ lửa

Minh Quân

12/06/2022 15:35

Năm 2021 là một năm có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên cổ tức luôn là vấn đề được quan tâm nhiều trong mùa đại hội cổ đông. Bất chấp kinh tế gặp khó, một số doanh nghiệp vẫn đạt kết quả kinh tốt, có mức chi trả cổ tức cao.

co-tuc-khung-1655022131.jpg
Cổ tức luôn là vấn đề được quan tâm nhiều trong mùa đại hội cổ đông. 

Đầu tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) của ông Hồ Xuân Năng (Năng "Do Thái") đã tổ chức đại hội cổ đông với báo cáo cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 đều đạt kỷ lục mới, đều tăng khoảng 25% so với năm trước lên tương ứng 7.070 và 2.097 tỷ đồng.

Doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo Vicostone ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động trong bối cảnh năm 2021 đơn vị này gặp nhiều thách thức do việc giãn cách nghiêm ngặt, vận tải hàng hóa toàn cầu. Vicostone tiếp tục tập trung vào các các thị trường trọng điểm bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu thông qua việc phát triển thành công hệ thống bán hàng gián tiếp thông qua các đối tác phân phối lớn và gần đây là xây dựng hệ thống phân phối trực tiếp.

Vicostone là một trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn tập trung chủ yếu vào mảng hoạt động kinh doanh lõi. Hiện doanh nghiệp này nằm trong top 3 nhà sản xuất đá thạch anh toàn cầu.

Đáng chú ý, Đại hội cổ đông Vicostone thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với tỷ lệ trả cổ tức 40%. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Vicostone chi trả cổ tức trên 40% hàng năm bằng tiền mặt và cổ phiếu quỹ. Trong năm 2022, Vicostone đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 15% lên hơn 2,4 nghìn tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng vừa có thông báo cho biết 17/6 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông phân bổ quyền nhận cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 100% tương đương 1 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Theo đó, MWG dự kiến phát hành thêm gần 732 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1, để trả cổ tức. Như vậy, vốn điều lệ của MWG sẽ tăng gấp đôi, lên 14.638 tỷ đồng. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận giữ lại theo báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2021.

Trước đó, ngày 8/6, MWG của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng đã thông báo tới các cổ đông về việc trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, dự kiến vào ngày 17/6, số tiền được chi trả 732 tỷ đồng. Như vậy, MWG đã chi trả cổ tức trong năm 2021 tổng cộng là 110%, trong đó 100% bằng cổ tức, 10% bằng tiền mặt.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC) của Chủ tịch Chu Thị Bình vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông 2022 sẽ diễn ra vào ngày 24/6 tới. Theo đó Minh Phú dự kiến phát hành mới 199,9 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 1.999 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp chăn nuôi tôm này gấp đôi lên 3.998 tỷ đồng.

Năm 2021, Minh Phú ghi nhận doanh thu 13.608 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 656,5 tỷ đồng. Với kết quả trên, Minh Phú sẽ trình các cổ đông mức cổ tức năm nay là 23% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận thêm 2.300 đồng). Như vậy công ty sẽ phải bỏ ra khoảng 460 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.

Ngày 15/6 tới đây, CTCP Lương thực Bình Định (UpCoM – Mã: BLT) sẽ chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền đợt 2/2021 và cổ tức từ nguồn hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển cho cổ đông. Ngày 14/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền. Thời gian thanh toán là ngày 30/6/2022.

Theo đó, BLT sẽ trả cổ tức đợt 2/2021 tỷ lệ 2,8%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận được 280 đồng/cp. Đồng thời, BLT thanh toán cổ tức từ nguồn hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển là 100%, mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 10.000 đồng.

Tổng cộng, Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 102,8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 10.280 đồng. Với 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Lương thực Bình Định (BLT) cần chi tổng cộng 41,12 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.

ĐHĐCĐ của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) sắp được tổ chức vào ngày 25/6. Tài liệu của RAL nêu rõ, đối với phương án phân phối lợi nhuận, công ty sẽ trích 87,6 tỷ đồng để trả cổ tức năm trước bằng tiền mặt, tỷ lệ 50%. 

Ngoài ra, HĐQT đề xuất phát hành 600.000 cổ phiếu ESOP với giá bán 10.000 đồng/cp. Nguồn vốn thực hiện dự kiến 6 tỷ đồng sẽ được trích từ quỹ khen thưởng phúc lợi. Thời gian chuyển nhượng cổ phiếu được được giới hạn trong 5 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Ngày 6/6, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (ACG) đã thông qua việc chi cổ tức với tỷ lệ 80% cho năm 2021. Trong đó, 50% bằng cổ phiếu, thực hiện chi trả. Công ty cũng đã tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%. ACG dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% ngay trong tháng 6 năm 2022.

CTCP Cơ khí Phổ Yên (Fomeco, mã chứng khoán FBC – UPCoM) cũng đã thông báo chốt danh sách trả cổ tức năm 2021, ngày đăng ký cuối cùng là 22/6, ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/6. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 22/7/2022.

Theo đó, Fomeco sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 65%, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 6.500 đồng. Với 3,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FBC dự kiến sẽ phải chi hơn 24 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.

 

Minh Quân