Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) trong hoạt động dầu khí nhằm mục đích bổ sung, sửa đổi một số quy định về ĐTRNN trong hoạt động dầu khí phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; nâng cao tính thực tiễn, khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh.
Nghị định mới sẽ giải quyết 2 nhóm vấn đề quan trọng. Nhóm vấn đề thứ nhất là bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến ĐTRNN trong hoạt động dầu khí phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến các quy định mới về ĐTRNN trong Luật Đầu tư năm 2020, cụ thể:
Dự án dầu khí có vốn ĐTRNN dưới 800 tỷ đồng không phải xin chấp thuận chủ trương ĐTRNN.
Cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương ĐTRNN thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương ĐTRNN; cơ quan, người có thẩm quyền quyết định ĐTRNN thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh nội dung quyết định ĐTRNN.
Nhóm vấn đề thứ hai là bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến ĐTRNN trong hoạt động dầu khí nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh thời gian qua.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến các vấn đề sau: Việc điều chỉnh tăng vốn ĐTRNN để giải quyết các nghĩa vụ phải thực hiện theo hợp đồng dầu khí, thỏa thuận điều hành chung đã ký và quy định pháp luật nước sở tại như: Nghĩa vụ thu dọn mỏ, đền bù cam kết, nộp thuế, quỹ đào tạo… trong khi Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN đã hết hạn mức và dự án đã kết thúc hoặc đang trong quá trình thực hiện các thủ tục kết thúc.
Bù trừ khi xác định vốn ĐTRNN của nhà đầu tư tại mỗi thời điểm đối với các khoản tiền đã chuyển về nước, bao gồm: Lợi nhuận được chia, các khoản thuế được nước sở tại hoàn lại,...
Pháp nhân thành lập ở nước ngoài/công ty điều hành có thể thực hiện nhiều dự án và thành lập địa điểm kinh doanh phù hợp với pháp luật của nước sở tại.
Trong giai đoạn đầu triển khai dự án, nhà đầu tư Việt Nam chưa phải bỏ vốn đầu tư do được nhà đầu tư nước ngoài gánh vốn.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31-12-2020, số vốn đầu tư ra nước ngoài trong năm 2020 của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 129,9 triệu USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, khoảng 3,97 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.