Thời gian qua, sự tham gia chủ động và tích cực của các cơ quan truyền thông trong nước đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng, phát triển cộng đồng ASEAN cũng như thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị của nhiều di sản tự nhiên, văn hóa đúng theo tinh thần của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO). Hội nghị gồm 3 phiên, tập trung vào các nội dung chính: Thứ nhất, tình hình thế giới, khu vực và chính sách đối ngoại Việt Nam. Thứ hai, trọng tâm công tác và định hướng đối ngoại của UNESCO trong năm 2024. Thứ ba, hợp tác và hội nhập trong khuôn khổ ASEAN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Triển khai truyền thông về các hoạt động liên quan đến ASEAN và UNESCO là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Qua đó, hội nghị không chỉ là dịp để các phóng viên và cán bộ truyền thông giao lưu, mà còn là cơ hội để các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến các hoạt động tuyên truyền ASEAN và UNESCO có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.
Những thông tin chuyên sâu được đưa ra thảo luận tại hội nghị sẽ là nguồn tài nguyên hữu ích, phục vụ công tác đưa tin, nâng cao chất lượng bài viết về công tác đối ngoại. Làm sao để tuyên truyền sâu hơn, hay hơn, trúng, đúng và đáng tin cậy hơn về hiểu biết xung quanh cộng đồng ASEAN và các chủ đề UNESCO”.
Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đã nghe đại diện Bộ Ngoại giao trình bày về tình hình khu vực, thế giới và tác động đến Việt Nam, đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác bên ngoài, trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam giới thiệu chương trình công tác của Ủy ban và các tiểu ban cùng các trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông…
Theo chia sẻ của ông Vũ Duy Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, đường lối đối ngoại của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như trong phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 và Hội nghị Ngoại giao 32 năm 2023. Đại hội XIII nêu “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa”. Đặc biệt, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Cục diện của thế giới hiện nay có tác động lớn đến an ninh và phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước vừa và nhỏ, các nước có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm và là nơi thường xuyên xảy ra cạnh tranh chiến lược như khu vực Đông Nam Á - ASEAN.
Các đại biểu đều tin rằng việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN không hề dễ dàng. Các thách thức như cạnh tranh nước lớn, sự ra đời của các cơ chế đa phương mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như khó khăn nội tại đòi hỏi ASEAN phải củng cố đoàn kết, thống nhất và có những chiến lược linh hoạt và hiệu quả hơn nữa. Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên cần tích cực ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN là biện pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của chính mình.
“Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay và nỗ lực cùng các nước thành viên hiện thực hóa ASEAN trở thành tâm điểm, động lực của hòa bình, hợp tác và phát triển thông tin” – ông Thành nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trịnh Minh Mạnh – Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho hay, thông qua mạng lưới thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực hội nhập khu vực của ASEAN. Việt Nam không chỉ tham gia FTA của ASEAN, các đối tác của ASEAN, mà còn “đi xa hơn” với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA),… Điều này sẽ tạo động lực để các nước thành viên ASEAN tiếp tục hội nhập sâu sắc hơn, hợp tác chặt chẽ hơn.
Ông Mạnh cũng cho rằng sự đóng góp của Việt Nam đối với kết quả chung của ASEAN được thể hiện thông qua việc tham gia vào các diễn đàn ASEAN; đưa ra những sáng kiến, đóng góp, đề xuất trong các văn kiện đã góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất trong ASEAN; đưa giá trị đoàn kết, thống nhất của ASEAN là ưu tiên số một; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các thông tin về hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2024; các hoạt động trọng tâm của UNESCO trong lĩnh vực thông tin giai đoạn 2024-2025; Trọng tâm công tác đối ngoại của UBQG UNESCO Việt Nam trong năm 2024 và các hoạt động ưu tiên của các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn của Ủy ban Quốc gia; Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng được các đại biểu nêu ra tại phần tham luận của mình.