Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB – Mã: MSB) vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ.
Theo đó, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu MSB để tăng sở hữu trong danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/10 - 24/11 theo phương thức khớp lệnh.
Kết phiên giao dịch 19/10, thị giá cổ phiếu MSB dừng ở mức 21.900 đồng/cp. Ước tính theo giá này, ông Tuấn sẽ phải chi ra khoảng 219 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Hiện, ông Tuấn đang sở hữu gần 2,3 triệu cổ phiếu MSB, tương đương gần 0,2% vốn điều lệ ngân hàng. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu MSB mà ông Tuấn sở hữu sẽ tăng lên gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương 0,85% vốn điều lệ ngân hàng.
Ông Tuấn còn được biết đến với biệt danh “Tuấn chợ” là một trong số ít các chủ tịch ngân hàng sở hữu cá nhân chưa đến 1% cổ phần. Trong khi ở nhiều ngân hàng, các ông chủ hầu như nắm rất nhiều cổ phiếu để thể hiện mức độ quyền lực chi phối.
Báo cáo quản trị năm 2020 cũng chỉ cho thấy ông Tuấn có 1 người liên quan đang sở hữu cổ phần tại MSB là ông Trần Phi Hạnh sở hữu gần 5,5 triệu cổ phần, tương đương 0,46% vốn điều lệ ngân hàng.
Chủ tịch Trần Anh Tuấn sinh năm 1969, từng theo học tại Nga và Mỹ với tấm bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ.
Từng có thời gian bươn chải tại Đông Âu như nhiều đại gia ngân hàng khác của Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn đã dành 10 năm học tập và sinh sống ở nước Nga trước khi quay về nước vào năm 1996.
Sau khi về nước, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group). Năm 2007, VID Group mua cổ phần chi phối tại Maritime Bank (tên cũ của MSB) từ Vinalines và các cổ đông khác; sau đó, ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank.
Về MSB, ngân hàng này mới đây đã phát hành xong 352,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 30%, nâng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng cho biết sẽ sử dụng vào việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống các điểm giao dịch; nâng cao năng lực tài chính để thích ứng với biến động của thị trường.