Về phân phối vé xổ số kiến thiết, tại Điều 12 Thông tư 75/2013/TT-BTC quy định chỉ được phân phối theo hai phương thức “bán trực tiếp cho khách hàng” và “thông qua hệ thống đại lý xổ số”. Thông tư này cũng quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác”.
Còn đối với xổ số điện toán Vietlott, tại Điều 9 Thông tư 36/2019/TT-BTC quy định các phương thức phân phối vé xổ số gồm “bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối”, “thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động” và “thông qua internet”. Phương thức thông qua internet “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”.
Hiện nay, Bộ Tài chính mới chỉ thừa nhận ứng dụng Vietlott SMS. Đây là sản phẩm được tạo ra giữa Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cùng Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện, Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt và 03 nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel. Để sử dụng Vietlott SMS, người dùng vẫn phải tải ứng dụng Vietlott SMS về điện thoại, cài đặt, chọn các bộ số theo từng sản phẩm, sau đó đặt mua thì ứng dụng SMS mới tạo ra tin nhắn tự động để gửi đi đặt hàng. So sánh các ứng dụng có thể thấy, các kênh trung gian, ứng dụng mua hộ vé số hiện có trên điện thoại di động (IOS, CHpaly) nói chung và kênh phân phối Vietlott SMS về bản chất là giống nhau. Các thao tác mua vé đều phải thực hiện trên điện thoại (có kết nối internet hoặc dữ liệu 3G 4G 5G). Đều là ứng dụng trên điện thoại di động, đều sử dụng internet, các thuật toán, thông qua ứng dụng để nhận đơn hàng từ người chơi, sau đó phát hành vé vật lý. Hai hình thức này khác nhau về tên gọi và 01 bên là ứng dụng mua hộ qua SMS được Vietlott cho phép, 01 bên là các ứng dụng mua hộ chưa được Vietlott cho phép nhưng có phát hành vé vật lý ghi đầy đủ thông tin khách hàng và có thể kiểm tra kiểm soát.
Theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác” và “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận” tại 02 Thông tư nêu trên đang là rào cản, gây khó cho doanh nghiệp, không còn phù hợp với thực tiễn; đòi hỏi phải thay đổi để bắt nhịp với thị trường và tinh thần chuyển đổi số quốc gia đã được thông qua.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật sư Nguyễn Văn Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Minh Bạch Quốc tế) cho rằng: Việc Bộ Tài chính chưa công nhận các ứng dụng phân phối vé số khác mà chỉ thừa nhận hình thức Vietlott SMS trong thời buổi kinh tế hội nhập, cạnh tranh là chưa phù hợp với xu thế tất yếu của xã hội. Bởi nguyên lý của sự phát triển bắt nguồn từ sự cạnh tranh, nhất là sự cạnh tranh công bằng. Khi các hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế được thực hiện thông qua sự cạnh tranh thì không những số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đó tăng lên mà con kéo theo chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người tiêu dùng, khách hàng được đảm bảo.
Trước khi có ứng dụng Vietlott SMS thì các ứng dụng phân phối vé xổ số qua app trên điện thoại (IOS, CHPlay) đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn về quảng bá sản phẩm cũng như đưa thói quen mua Vietlott trên điện thoại vào đời sống. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối vé xổ số cho rằng, Bộ Tài chính cần có cái nhìn cởi mở hơn, toàn diện hơn; hỗ trợ, giải đáp, đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc đang có từ các ứng dụng. Bởi phân phối vé xổ số qua internet là một bước phát triển cần có, là một xu thế tất yếu của thị trường, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Những đất nước có thị trường xổ số phát triển hơn Việt Nam đều đã công nhận việc phân phối internet từ lâu. Cái gì mới cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng cái doanh nghiệp cần là sự đồng hành từ những cơ quan quản lý nhà nước.
Bản chất vé xổ số cũng là một loại hàng hoá giống như bao loại hàng hoá khác. Có chăng chỉ vì đây là sản phẩm đặc thù, nhạy cảm nên bị thuộc vào diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chịu sự quản lý của nhà nước để tránh các rủi ro xảy ra. Nếu mọi sự sáng tạo, phát triển đều bị cấm do khó quản lý thì những doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều rào cản để hoạt động và phát triển.
Đề cập đến vấn đề cần thiết phải sửa đổi Thông tư 36/2019/TT-BTC và Thông tư 75/2013/TT-BTC, Luật sư Vũ Văn Biên (Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước) cho rằng đã đến lúc chấp thuận và cho triển khai phương thức phân phối vé xổ số qua internet. Cùng với tính ưu việt, một trong những yếu tố pháp lý quan trọng cũng được Luật sư Vũ Văn Biên nói đến là tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được thông qua và Quyết định 749/QĐ-TTg về phê duyệt “chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ cũng như các quyết định kế hoạch chuyển đổi số hằng năm của Bộ Tài chính.
Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng, Bộ Tài chính cần rà soát lại các văn bản pháp luật, làm rõ, phân biệt cụ thể giữa thế nào là phân phối qua điện thoại và phân phối qua internet. Đánh giá việc cấm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua hộ vé xổ số đã thực sự khách quan hay chưa. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, tiến tới công nhận ngành nghề mua hộ vé xổ số, hoàn thiện cơ chế, giải pháp để quản lý hiệu quả nhất các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này thay vì cấm đoán. “Việc này không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh tế và làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước”, Luật sư Vũ Văn Biên nhấn mạnh.