Cựu cán bộ TPBank “thụt két” chiếm vàng, Chủ tịch HĐQT lãnh lương cao và nợ nhóm 3, 4 của ngân hàng vẫn tăng

Hồng Vũ

19/10/2024 16:14

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Văn Linh (cựu cán bộ Kho quỹ Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank) về tội “Tham ô tài sản”.

Tham ô 246 lượng vàng SJC

Theo Kết kuận điều tra, kho quỹ tập trung Hội sở (HUB HO) TPBank lưu giữ các tài sản gồm vàng, tiền mặt, giấy tờ có giá, ấn chỉ quan trọng tài sản đảm bảo… Đối với vàng, trong kho được chia thành 3 trạng thái để quản lý gồm: Vàng giữ hộ; vàng để giao dịch mua bán và vàng cầm cố. Trong số này, vàng giao dịch và vàng giữ hộ được Ban quản lý kho kiểm kê hàng ngày; còn vàng cầm cố được kiểm tra định kỳ vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm.

Khoảng năm 2017, Nguyễn Văn Linh là thủ quỹ, thành viên Ban quản lý kho kiểm kê hằng ngày, nhận thấy vàng cầm cố trong kho chỉ được kiểm đếm 2 lần/năm, có thông báo trước. Do đó, Linh nảy sinh ý định chiếm đoạt vàng ở trong két vàng mua bán, giữ hộ, rồi lấy vàng ở két vàng cầm cố thay thế vào phần thiếu hụt, qua mặt việc kiểm kê hằng ngày.

Từ thông tin sổ sách, Linh thấy có khách hàng tên C. thế chấp 246 lượng vàng SJC nhưng chỉ tất toán trên giấy tờ và gửi lưu vàng cố định trong kho. Ngày 5/7/2017, sau khi hoàn tất việc kiểm kê vàng cuối ngày, Linh lấy 246 lượng vàng SJC trong két chứa vàng mua bán, giữ hộ cho vào túi nilon đen, cất trong một thùng tôn.

z5946291204454-411ffb0a980893bc1fde8fa3cbabced1-1729328861.jpg
Ảnh minh hoạ.

Sáng 6/7/2017, trong quá trình mở kho tiếp quỹ đầu ngày cho các chi nhánh, Linh mang chiếc thùng tôn để ở kho đệm (không gian phía ngoài kho tiền), sau đó mang đi bán được 8,8 tỷ đồng. Sau đó, Linh đã nộp toàn bộ tiền được Linh gửi vào tài khoản chứng khoán của bị can.

Chiều cùng ngày, Linh lấy túi vàng chứa 246 lượng của ông C. trong két vàng cầm cố để vào két vàng mua bán, giữ hộ, nhằm qua mặt các thành viên khi kiểm kê cuối ngày. Hành vi này cũng lặp đi lặp lại trong thời gian dài, do đó các thành viên khác trong Ban quản lý kho không phát hiện tài sản bị thiếu hụt.

Ngày 22/3/2019, ông C. tất toán khoản vay và nhận lại đủ 246 lượng vàng SJC từ Ngân hàng TPbank. Để tránh bị bại lộ, Linh tiếp tục sử dụng thủ đoạn lấy vàng của các tổ chức, cá nhân khác trong kho tiền, bù vào lượng vàng đã chiếm đoạt. Đến tháng 8/2023, khi trong kho không có số lượng vàng phù hợp để hợp thức, và bản thân không có khả năng trả lại nên Linh đã ra đầu thú.

Trong quá trình điều tra, Linh còn khai được bà Lê Cẩm Tú, Kế toán trưởng ngân hàng TPBank nhờ giữ hộ hơn 70 tỷ đồng của cá nhân và để trong kho tiền của ngân hàng. Đến tháng 9/2023, Linh mới trả lại 40 tỷ, còn lại chiếm đoạt 30 tỷ đồng.

Tổng số tiền và vàng đã chiếm đoạt được gần 40 tỷ, Linh dùng để mua tiền ảo USDT nhằm đầu tư ngoại hối (Forex); mua xổ số Vietlot và hiện đã thua lỗ, không thể hoàn trả lại cho các bị hại.

Cơ quan điều tra xác định, để xảy ra vụ việc có sự liên quan của Giám đốc Trung tâm giao dịch Hội sở; Giám đốc Dịch vụ khách hàng và nhiều nhân viên khác thuộc ngân hàng TPBank.

Hành vi của những người này là thiếu trách nhiệm, nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc Linh tham ô 246 lượng vàng SJC. Do đó, cơ quan điều tra cho rằng không đủ căn cứ xử lý những người này về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chủ tịch HĐQT lãnh lương khủng

Theo báo cáo của FiinGroup, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank là lãnh đạo ngân hàng hưởng lương cao thứ 2 chỉ sau Chủ tịch HĐQT Sacombank. Theo đó, tại TPBank, mức lương của ông Đỗ Minh Phú năm 2023 là 6,206 tỷ đồng, tăng từ 5,569 tỷ đồng của năm 2022.

Về hoạt động kinh doanh của TPBank, kết thúc quý 4/2023, cho thấy lợi nhuận sau thuế kỳ này của TPBank chỉ còn 494 tỷ đồng, giảm tới 67,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo đã cho thấy quý 4, thu nhập lãi thuần của TPBank đạt 3.996 tỷ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ 2022. Điểm đáng chú ý nằm ở khoản trích lập dự phòng. Theo đó, TPBank đã dùng tới 1.970 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 17 lần con số năm trước.

Việc sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ nợ xấu, theo lý giải của TPBank, nhằm giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động tiêu cực nợ xấu trong tương lai. Nhưng ngay trong quý này, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị bào mòn đáng kể.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TPBank đã rơi từ mức hơn 1.519 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, chỉ còn 493 tỷ đồng trong quý 4/2023.

z5946291204370-63e6ab571d08650bea0360202f05596b-1729328861.jpg
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank.

Lũy kế cả năm 2023, TPBank đạt 12.425 tỷ đồng khoản thu nhập lãi thuần, tăng 9% so với năm 2022. Lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên do phải dùng đến 3.946 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,1 lần năm trước, do đó lãi sau thuế chỉ còn 4.463 tỷ đồng, giảm gần 29%. Với kết quả này, TPBank cũng chỉ thực hiện được 64% kế hoạch.

Còn kết thúc quý 2/2024, TPBank có thu nhập lãi thuần đạt gần 3.238 tỷ đồng (tăng 11%) so với khoản thu nhập lãi thuần 2.914 tỷ đồng cùng kỳ.

Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng không đồng nhất khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 52% so với cùng kỳ năm trước lên 945 tỷ đồng. Phí dịch vụ từ hoạt động thanh toán của TPBank tăng 44% lên 956 tỷ đồng và thu phí dịch vụ khác tăng gần 49% so với cùng kỳ lên 944 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của TPBank đảo chiều so với cùng kỳ, từ khoản lãi gần 238 tỷ đồng sang lỗ gần 45 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, TPBank đang có 60.865 tỷ đồng chứng khoán đầu tư.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của TPBank giảm mạnh từ 163 tỷ đồng năm trước xuống còn 661 triệu đồng. Trong kỳ, ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động 28% xuống còn 1.383 tỷ đồng. TPBank đã tăng chi phí dự dự phòng rủi ro tín dụng 2,57 lần so với cùng kỳ năm trước lên 949 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của TPBank đã tăng 14% lên 6.664 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế gần 3.733 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.986 tỷ đồng, tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, phía bên kia bản cân đối kế toán, tiền gửi khách hàng của TPBank lại giảm 2,5% xuống còn 202.997 tỷ đồng. Tiền gửi và vay tổ chức tín dụng khác của TPBank cũng giảm từ 83.966 tỷ đồng năm trước xuống 78.692 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 6,4% so với năm 2023.

Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của TPBank là 4.399 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức 4.200 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/ dư nợ cho vay của TPBank tăng từ 2,05% hồi cuối năm 2023 lên 2,06%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 7,2% lên 1.779 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 11% lên gần 1.582 tỷ đồng. Còn nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ so với đầu năm xuống 1.038 tỷ đồng.

Hồng Vũ