Ngày 31/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố và triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 05 điểm cầu Học viện trực thuộc: Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội nghị.
Ngày 28/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Quyết định số 214-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sau khi sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ các Hội đồng Lý luận, khoa học của Trung ương (Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương); sáp nhập Học viện Hành chính quốc gia; giảm 23 đầu mối cấp vụ (từ 54 đầu mối trước khi sáp nhập xuống còn 31 đầu mối cấp vụ sau sáp nhập).
Về tổ chức bộ máy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có giám đốc và không quá 5 Phó Giám đốc. Giám đốc Học viện do Bộ Chính trị phân công, các phó giám đốc do Ban Bí thư xem xét, quyết định. Ban lãnh đạo Hội đồng Lý luận trung ương có Chủ tịch là Giám đốc Học viện hoặc cán bộ phụ trách công tác lý luận của Đảng do Bộ Chính trị phân công và không quá 5 Phó Chủ tịch do Ban Bí thư xem xét, quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng.
Triển khai đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giảm 23 đầu mối (từ 54 đầu mối, còn 31 đầu mối). Cụ thể:
- Gồm 9 vụ, đơn vị chức năng là Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Quản lý đào tạo, bồi dưỡng; Vụ Quản lý khoa học; Vụ Các trường chính trị; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Ban Thanh tra; Văn phòng Học viện; Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số.
- 16 viện nghiên cứu, giảng dạy và thông tin, xuất bản gồm: Viện Triết học; Viện Kinh tế chính trị học; Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Viện Lịch sử Đảng; Viện Xây dựng Đảng; Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường; Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Quyền con người; Viện Văn hóa và phát triển; Viện Lãnh đạo học và Hành chính công; Viện Dân tộc và Tôn giáo; Viện Thông tin khoa học; Tạp chí Lý luận chính trị; Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
- 6 Học viện trực thuộc gồm: Học viện Chính trị khu vực I (đặt tại Hà Nội); Học viện Chính trị khu vực II (đặt tại TP.HCM); Học viện Chính trị khu vực III (đặt tại Đà Nẵng); Học viện Chính trị khu vực IV (đặt tại Cần Thơ); Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đặt tại Hà Nội). Học viện Hành chính và Quản trị công (trụ sở chính ở Hà Nội, 1 phân hiệu tại TP.HCM và 1 phân hiệu ở Quảng Nam).