Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội: Bán BĐS phải thông qua sàn tiềm ẩn độc quyền và đội giá

Công Minh

12/04/2023 13:59

Ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thường trực Ủy ban tán thành phải hoàn thành cơ sở pháp lý cho sàn giao dịch bất động sản hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tại phiên họp, ông Thanh đề nghị nghiên cứu quy định cho phép các bên tham gia giao dịch được quyền lựa chọn phương thức giao dịch qua sàn hoặc phương thức giao dịch không qua sàn để bảo đảm lợi ích vì chưa đủ cơ sở thực tiễn, chưa rõ về sự cần thiết.

Việc buộc giao dịch qua sàn, theo Uỷ ban Kinh tế sẽ làm tăng trung gian, chi phí và được tính vào giá giao dịch. Một số ý kiến phản ánh việc giao dịch qua sàn có thể làm tăng chi phí từ 8-10%. Bên cạnh đó, sàn giao dịch bất động sản không phải là công cụ quản lý nhà nước, không thực hiện các dịch vụ công, mà chỉ đóng vai trò là môi giới, trung gian, cung cấp thông tin.

vu-hong-thanh-1681282588.jpeg
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

Ông Thanh nêu thực tế có hiện tượng các sàn cấu kết với nhau vì mục đích lợi nhuận làm nhiễu loạn thị trường, không phản ánh đúng quan hệ cung cầu, giá cả. Do đó, việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để độc quyền, câu kết, gây ảnh hưởng đến minh bạch thị trường và quyền lợi các bên trong kinh doanh bất động sản.

"Sàn chỉ là một trong các phương thức để giao dịch, nên cho phép các bên tham gia được quyền chọn giao dịch qua sàn hoặc không qua sàn", báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nêu.

Theo cơ quan thẩm tra, với những dự án bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý, chủ đầu tư có đủ năng lực, uy tín, việc giao dịch trực tiếp, không thông qua sàn giao dịch bất động sản vẫn diễn ra thuận lợi, ít rủi ro.

Đối với vấn đề điều tiết thị trường BĐS, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định như tại dự thảo Luật về điều tiết thị trường bất động sản vì: chưa làm rõ được khái niệm pháp lý “điều tiết thị trường”; Chưa phân biệt được các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản với điều tiết thị trường nói chung và điều tiết các thị trường cụ thể khác nói riêng; Chưa rõ tính quy phạm pháp luật, bắt buộc thực hiện của các quy định.

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 84 về các trường hợp thực hiện điều tiết thị trường chưa rõ tính định lượng “tăng bất thường”, “giảm bất thường”, “tác động lớn”; việc đánh giá mức độ biến động của thị trường bất động sản chỉ trên cơ sở “lượng giao dịch” là chưa đầy đủ, chưa đúng trọng tâm là chỉ thực hiện các biện pháp can thiệp khi biến động của thị trường bất động sản ảnh hưởng ở mức độ đáng kể đến ổn định kinh tế - xã hội…

Công Minh